Góc pháp lý

Kỹ năng kiểm sát lập biên bản bắt người phạm tội quả tang, khám xét thu giữ vật chứng trong các vụ án ma túy


Những năm gần đây ở Nghệ An đã xuất hiện hoạt động mua bán, vận chuyển và sử dụng ma túy Hêrôin, ma túy tổng hợp, Methamphetamine dạng đá ở thành thị tại các vũ trường, quán Bar, Karaoke, nhà hàng, khách sạn và cả nông thôn ; đối tượng tham gia mua bán và sử dụng có chiều hướng gia tăng.Tình hình tệ nạn, tội phạm ma túy trên địa bàn diễn biến phức tạp.

Tỉnh Nghệ An là tỉnh có đường biên giới dài 419,5 km tiếp giáp với 3 tỉnh nước Lào Huaphanh, Xiengkhuang, Borikhamxay, là tuyến thẩm lậu ma túy từ nước ngoài vào nội địa và cũng là nơi trung chuyển ma túy lớn vì Nghệ An là đầu mối giao thông quan trọng của khu vực Bắc Trung Bộ. Do đặc điểm tình hình trên nên tội phạm ma túy ở Nghệ An thường móc nối với các đối tượng trong và ngoài nước đưa ma tuý từ Lào vào Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng để tiêu thụ. Tội phạm ma túy hoạt động với nhiều đối tượng tham gia, có tổ chức và cấu kết với nhau chặt chẽ, tạo thành đường dây khép kín, với phương thức và thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.
 
Công tác đấu tranh phòng, chống ma túy luôn được VKSND hai cấp tỉnh Nghệ An xác định là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục nhằm góp phần ổn định trật tự, an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cơ quan điều tra đã phát hiện nhiều vụ, bắt giữ rất nhiều đối tượng và thu hàng trăm kilogam ma túy các loại. Hàng năm, VKSND hai cấp tỉnh Nghệ An đã phối hợp với Cơ quan điều tra và Tòa án xử lý nghiêm minh gần 1000 vụ án về ma túy. Tất cả các vụ án đã được điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Nâng cao hiệu quả hoạt động điều tra, truy tố, xét xử đối với tội phạm về ma túy. Từ đó, Kiềm chế sự gia tăng về tội phạm ma túy; thu hẹp địa bàn có tệ nạn ma túy.

Lực lượng tham gia công tác giải quyết án ma túy bên cạnh cơ quan Công an còn có Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An, Cảnh sát Biển, lực lượng Hải quan. Việc bắt người có hành vi phạm tội quả tang, lập biên bản, thu giữ vật chứng, giám định về cơ bản đảm bảo theo đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế.

Qua việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình trong công tác kiểm sát việc lập biên bản bắt người phạm tội quả tang, khám xét thu giữ vật chứng, trưng cầu giám định trong các vụ án ma túy, đã phát hiện một số tồn tại như sau:

Trong quá trình thực hiện phá án và tiến hành điều tra ban đầu, lực lượng tham gia đã có một số vi phạm qui định của Tố tụng hình sự. Biên bản bắt người phạm tội quả tang thể hiện chưa đúng nội dung và diễn biến sự việc; Địa điểm lập biên bản bắt người phạm tội quả tang là một nơi nhưng ghi lại ở nơi khác; Nội dung, diễn biến hành vi phạm tội phản ánh trong biên bản bắt giữ người có hành vi phạm tội quả tang mâu thuẫn với lời khai của người bị bắt và các tài liệu chứng cứ khác như về thời gian, địa điểm, vị trí thu giữ tang vật, đặc điểm của vật chứng được thu giữ. Cơ quan điều tra lập biên bản phạm pháp quả tang, biên bản khám xét thu giữ vật chứng nhưng không có người chứng kiến hoặc có người chứng kiến nhưng không phản ánh lời khai của họ trong biên bản, không có biên bản ghi lời khai trong hồ sơ ban đầu của vụ án; Các thành phần tham gia có tên trong biên bản nhưng không ký vào biên bản; Khi thu giữ vật chứng, có lập biên bản về việc thu giữ nhưng không tiến hành niêm phong vật chứng theo quy định hoặc việc niêm phong vật chứng được phản ánh chung trong biên bản quả tang.
 
Có trường hợp không phải trường hợp bắt người phạm tội quả tang nhưng lập biên bản quả tang; tang vật không bắt quả tang nhưng cũng lập biên bản quả tang, có trường hợp đưa đối tượng về nhà lấy tang vật nhưng cũng lập biên bản quả tang; Biến tướng từ việc lập biên bản quả tang sang lập biên bản sự việc và ra lệnh khám xét khẩn cấp; Việc bắt người phạm tội quả tang nhưng không đưa vào biên bản những vật chứng, tiền bạc, tài sản; Việc khám xét khẩn cấp thu giữ vật chứng, tài sản không lập biên bản dẫn đến việc bị can khiếu nại.

Do thiếu kinh nghiệm trong việc lập biên bản bắt giữ người có hành vi phạm tội quả tang dẫn đến biên bản phạm tội quả tang không sử dụng được làm chứng cứ buộc tội bị cáo; Có lúc còn xem nhẹ vai trò người làm chứng khi lập biên bản quả tang, dẫn đến bị can chối tội hoặc phản cung cho rằng bị bức cung, nhục hình khi lập biên bản quả tang.

Từ những tồn tại, thiếu sót của các lực lượng chức năng trong việc lập biên bản bắt giữ người có hành vi phạm tội quả tang, khám xét thu giữ vật chứng đã dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động điều tra thu thập chứng cứ; một số trường hợp không đủ yếu tố chứng minh tội phạm; một số trường hợp biên bản quả tang lập không đúng quy định dẫn đến Cơ quan điều tra không thể khắc phục được...

Qua phân tích về những thiếu sót, những vi phạm trong quá trình lập biên bản bắt giữ người phạm tội quả tang, biên bản khám xét thu giữ đồ vật tài liệu như nêu trên, để thực hiện tốt vai trò của Kiểm sát viên cần nâng cao kỹ năngkiểm sát lập biên bản bắt người phạm tội quả tang, khám xét thu giữ vật chứng:
 
Một số kỹ năng cơ bản:

- Bám sát quy định của BLTTHS về việc bắt người trong các trường hợp quả tang; Xem xét trường hợp bắt người phạm tội quả tang có đúng quy định của pháp luật hay không, sau đó kiểm sát biên bản bắt người phạm tội quả tang.

- Quan tâm đến việc lập biên bản phạm tội quả tang của lực lượng chức năng: Phải đảm bảo việc lập biên bản đúng mẫu, xác định đầy đủ vai trò của người làm chứng, phải ghi đầy đủ lời khai của người làm chứng. Chú ý hỏi người làm chứng về việc người bị bắt có tự nguyện khai báo hay không? Có tự nguyện thừa nhận hành vi thực hiện tội phạm không, có bị bức cung nhục hình không? Vật chứng thu giữ và đặc điểm của vật chứng? Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng chống bị can phản cung sau này.

- Thông thường có nhiều vụ khi bắt người phạm tội quả tang thì việc thu giữ vật chứng của người bị bắt nhưng không đưa vào biên bản. Vì vậy sau khi kiểm sát biên bản bắt giữ người có hành vi phạm tội quả tang, Kiểm sát viên phải gặp và hỏi ngay người bị bắt bị thu giữ những vật chứng gì, từ đó yêu cầu Điều tra viên báo cáo cụ thể để khắc phục việc lập biên bản thu giữ vật chứng, tránh trường hợp tại phiên tòa bị cáo khai bị thu giữ nhiều loại vật chứng nhưng Kiểm sát viên không chủ động đối đáp được và cũng không bảo về quyền lợi hợp pháp của bị can, bị cáo.

- Bắt người phạm tội quả tang là một trong những biện pháp ngăn chặn, hoạt động bắt người phạm tội quả tang là vấn đề liên quan đến đời sống và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền cơ bản của công dân. Vì vậy, việc rút ra những ưu khuyết điểm trong việc lập biên bản bắt giữ người có hành vi phạm tội quả tang, khám xét, thu giữ vật chứng là nhiệm vụ quan trọng, bước đầu để góp phần hiệu quả trong công tác điều tra, truy tố, xét xử một vụ án cụ thể, tránh xảy ra oan, sai hoặc khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án.

Một số kiến nghị, đề xuất:

- Nâng cao trách nhiệm của Điều tra viên, cán bộ trong việc lập biên bản bắt giữ người có hành vi phạm tội quả tang, khám xét, thu giữ vật chứng đảm bảo đúng quy định của Bộ luật TTHS;

- Lãnh đạo các cơ quan chức năng phải kiểm tra, chỉ đạo khắc phục, hạn chế thiếu sót trong việc lập biên bản...;

- Tập huấn kỹ năng, phương pháp lập biên bản cho đội ngũ Điều tra viên, cán bộ được giao nhiệm vụ điều tra, nhất là những vi phạm của cơ quan Điều tra qua kiến nghị của Viện kiểm sát.

- Đẩy mạnh việc phối hợp chặt chẽ giữa Điều tra viên, Kiểm sát viên và các cơ quan tiến hành Tố tụng thực hiện nhiều biện pháp để phòng chống ma tuý.

- Tăng cường thông báo rút kinh nghiệm về những vi phạm nghiêm trọng có tính chất phổ biến, thường xuyên tập huấn kỹ năng kiểm sát để Kiểm sát viên có kinh nghiệm phát hiện, khắc phục vi phạm trong quá trình kiểm sát biên bản bắt giữ người có hành vi phạm tội quả tang, biên bản tạm giữ tang vật... 
 
Nguồn: Lê Thị Vân Hà
VKSND tỉnh Nghệ An

 

 

Gửi yêu cầu