Áp dụng biên pháp khẩn cấp tạm thời phải ký quỹ tài khoản để đảm bảo cho việc yêu cầu – Đúng hay sai?
Tại sao phải nộp tiền ký quỹ để đảm bảo yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời?
Ông A ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với B (giá trị quyền sử dụng đất hai bên thoả thuận là 300.000.000đ). Để đảm bảo thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, ông A và ông B có thoả thuận đặt cọc là 200.000.000đ và nếu ông B vi phạm, không chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho ông A thì ông B phải chịu phạt cọc là trả gấp đôi số tiền cọc mà ông A đã đưa (hợp đồng có công chứng đúng theo qui định).
Do vợ của ông A và vợ ông B có cự cải lẫn nhau, dẫn đến mâu thuẫn nên ông B không chịu thực hiện đúng thoả thuận hai bên đã ký. Hai bên phát sinh tranh chấp, A khởi kiện ra toà án để yêu cầu B tiếp tục thực hiện hợp đồng hoặc phải trả 200.000.000đ và chịu phạt cọc theo thoả thuận trong hợp đồng.
Để đảm bảo việc thi hành án sau này, A có nộp đơn yêu cầu Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, yêu cầu Toà án áp dụng Khoản 7, điều 102 Bộ luật Tố tụng dân sự, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đang tranh chấp”.
Sau khi xem xét đơn của ông A, Toà án thấy đủ căn cứ để áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo qui định nên Toà án đã yêu cầu ông A phải nộp khoản tiền ký quỹ để đảm bảo cho việc áp dụng biện pháp theo qui định tại Điều 120 Bộ luật Tố tụng dân sự. Nhưng ông A thắc mắc, hỏi tại sao ông đã đưa tiền cọc cho ông B 200.000.000đ, bị ông B lấy và không thực hiện hợp đồng; nhưng sao lại yêu cầu A tiếp tục nộp khoản tiền ký quỹ đảm bảo cho việc yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Vậy có hợp lý không?
Nộp tiền ký quỹ khi yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là đúng pháp luật.
Khi áp dụng các biện pháp áp dụng qui định tại các khoản 6, 7, 8, 10, 11 của Điều 102 đều phải nộp tiền ký quỹ theo qui định tại đều 120 Bộ Luật Tố tụng dân sự. Nếu cho rằng, Bên A đã đặt cọc cho bên B số tiền 200.000.000đ, thừa khả năng bồi thường nếu yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời sai. Sao lại phải buộc A tiếp tục nộp tiền ký quỹ để đảm bảo. Việc yêu cầu nộp tiền ký quỹ là hoàn toàn hợp lý và đúng pháp luật bởi lẽ:
- Trong trường hợp này, do đây chỉ là biện pháp đảm bảo, phòng ngừa trường hợp ông A yêu cầu sai. Do hai bên đang tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng, việc tranh chấp về mặt pháp lý chưa thể xác định ai đúng ai sai, chưa biết ai thắng kiện, ai thua kiện. Cho nên, nếu toà án công nhận số tiền 200.000.000đ do A đặt cọc là khoản tiền để đảm bảo việc yêu cầu áp dụng áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, thì đồng nghĩa với việc toà án đã công nhận là A đã thắng kiện, điều này trái với qui định về độc lập trong xét xử, ảnh hưởng đến phán quyết của toà án, nó không khách quan.
- Mặc dù, khi A khởi kiện, cung cấp các tài liệu chứng cứ là có cơ sở, có thể tự nhận thức rằng là A sẽ thắng kiện. Nhưng trong trường hợp này nhằm đảm bảo khách quan cần xem như chưa biết kết quả như thế nào. Đồng thời, trong quá trình giải quyết vụ án, cũng có thể bên B cung cấp các tài liệu chứng cứ để chứng minh cho việc làm của B là đúng, đó có thể là hợp đồng, tờ thoả thuận giữa hai bên về việc huỷ tờ hợp đồng đã ký giữa hai bên, hoặc giấy tờ chứng minh B đã trả tiền cọc cho A 200.000.000đ.
Do đó, việc yêu cầu ông A phải nộp tiền ký quỹ để đảm bảo việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như trên là phù hợp với qui định của pháp luật.
Huỳnh Minh Khánh
Nguồn: TAND huyện Cái Bè - tỉnh Tiền Giang