Góc pháp lý

Toà án cấp phúc thẩm áp dụng Điều khoản của Bộ luật hình sự về tội nặng hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn


Theo quy định tại khoản 3 Điều 249 Bộ luật tố tụng hình sự thì trong trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị hoặc người bị hại kháng cáo yêu cầu thì Toà án cấp phúc thẩm có thể áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nặng hơn.


Thực tiễn xét xử trong nhiều năm qua, Toà án cấp phúc thẩm áp dụng quy định này nói chung không có vướng mắc. Tuy nhiên, gần đây trong quá trình xét lại bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án các cấp theo thủ tục giám đốc thẩm, có nhiều trường hợp khi cần phải huỷ bản án phúc thẩm để xét xử lại phúc thẩm hoặc xét xử lại sơ thẩm thì thấy quy định tại Điều 249 Bộ luật tố tụng hình sự về việc Toà án cấp phúc thẩm áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nặng hơn có nhiều vấn đề cần phải trao đổi.


Trước hết, cần phải hiểu thế nào là “áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nặng hơn”, trên cơ sở đó mới có thể xác định thẩm quyền của Toà án cấp phúc thẩm khi sửa bản án sơ thẩm theo hướng này.

Quan điểm thứ nhất và cũng là quan điểm truyền thống đang được áp dụng, thì “áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nặng hơn” là:

- Áp dụng thêm tình tiết tăng nặng quy định tại khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự. Ví dụ: Bị cáo A phạm tội trộm cắp tài sản có tình tiết “xúi giục người chưa thành niên phạm tội” theo quy định tại điểm n khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự, nhưng Toà án cấp sơ thẩm chưa áp dụng tình tiết tăng nặng này đối với A nên Toà án cấp phúc thẩm áp dụng điểm n khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự đối với bị cáo A.

- Chuyển từ khung hình phạt có mức hình phạt hoặc loại hình phạt nhẹ sang khung hình phạt có mức hình phạt hoặc loại hình phạt nặng hơn. Ví dụ: Toà án cấp sơ thẩm áp dụng khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự đối với bị cáo, nhưng Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy bị cáo phạm tội có tình tiết “để cản trở người thi hành công vụ” nên Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự đối với bị cáo.

- Chuyển từ tội danh nhẹ sang tội danh khác nặng hơn. Ví dụ: Toà án cấp sơ thẩm kết án bị cáo về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Toà án cấp phúc thẩm kết án bị cáo phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

- Chuyển từ “án treo” thành “tù giam”.

Như vậy, thuật ngữ “áp dụng điều khoản của Bộ luật hình sự về tội năng hơn” được hiểu là áp dụng điều khoản của Bộ luật hình sự theo hướng bất lợi cho bị cáo, kể cả trường hợp chuyển từ tội phạm này sang tội phạm khác, chuyển từ “án treo” thành “tù giam”.

Quan điểm thứ hai cho rằng, “áp dụng điều khoản của Bộ luật hình sự về tội năng hơn” chỉ bao gồm trường hợp chuyển từ khung hình phạt có mức hình phạt nhẹ sang khung hình phạt có mức hình phạt nặng hơn, chứ không được áp dụng thêm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự; chuyển từ tội danh nhẹ sang tội danh khác nặng hơn đối với bị cáo hoặc chuyển từ án treo sang án tù giam.

Chúng tôi đồng tình với quan điểm thứ hai và phân tích một số vấn đề về lý luận cũng như thực tiễn xét xử để làm rõ những vẫn đề có liên quan đến các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về thẩm quyền, phạm vi xét xử của Toà án cấp phúc thẩm, cũng như thẩm quyền và phạm vi kháng nghị của Viện kiểm sát cũng như kháng cáo của người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của họ.

Trước hết, theo chúng tôi, “áp dụng điều khoản của Bộ luật hình sự về tội nặng hơn” là chuyển từ tội ít nghiêm trọng sang tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng; từ tội nghiêm trọng sang tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng; từ tội rất nghiêm trọng sang tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng phải là cùng một tội mà Viện kiểm sát đã truy tố và Toà án cấp sơ thẩm đã kết án bị cáo. Ví dụ: Viện kiểm sát đã truy tố và Toà án cấp sơ thẩm kết án bị cáo về tội giết người theo khoản 2 Điều 93 Bộ luật hình sự. Sau khi xét xử sơ thẩm, đại diện hợp pháp của người bị hại kháng cáo yêu cầu Toà án cấp phúc thẩm áp dụng khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự đối với bị cáo với lý do bị cáo phạm tội có tính chất côn đồ. Khi xét xử phúc thẩm, Toà án cấp phúc thẩm nhận thấy kháng cáo của đại diện người bị hại là có căn cứ nên đã áp dụng điểm n khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự đối với bị cáo. Nếu Toà án cấp phúc thẩm chuyển từ tội danh nhẹ sang tội danh khác nặng hơn. Ví dụ:  Viện kiểm sát truy tố và Toà án cấp sơ thẩm kết án bị cáo về tội cố ý gây thương tích theo khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự. Sau khi xét xử sơ thẩm đại diện người bị hại kháng cáo yêu cầu Toà án cấp phúc thẩm kết án bị cáo về tội giết người theo Điều 93 Bộ luật hình sự và nhưng Toà án cấp phúc thẩm cũng chấp nhận kháng cáo của đại diện người bị hại kết án bị cáo về tội giết người theo Điều 93 Bộ luật hình sự thì không phải là “áp dụng điều khoản của Bộ luật hình sự về tội nặng hơn” mà đã kết án bị cáo về một tội danh khác với tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố, và như vậy Toà án cấp phúc thẩm đã vi phạm về giới hạn của việc xét xử.

Theo quy định tại Điều 196 Bộ luật tố tụng hình sự thì Toà án chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Toà án đã quyết định đưa ra xét xử. Toà án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố. Không có quy định nào cho phép Toà án xét xử về một tội khác nặng hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố. Giới hạn của việc xét xử là quy định cho Toà án nói chung chứ không riêng đối với Toà án cấp sơ thẩm, Toà án cấp phúc thẩm khi xét xử cũng phải tuân theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về giới hạn của việc xét xử đã quy định tại Điều 196 Bộ luật tố tụng hình sự.

Ví dụ: Viện kiểm sát nhân dân huyện K truy tố bị cáo A về tội cố ý gây thương tích theo khoản 3 Điều 104 Bộ luật hình sự, Toà án nhân dân huyện K khi xét xử sơ thẩm đã kết án bị cáo về tội cố ý gây thương tích theo khoản 3  Điều 104 Bộ luật hình sự như cáo trạng của Viện kiểm sát. Sau khi xét xử sơ thẩm, đại diện hợp pháp của người bị hại kháng cáo, yêu cầu Toà án cấp phúc thẩm xét xử bị cáo về tội giết người. Khi xét xử phúc thẩm nếu Toà án cấp phúc thẩm thấy đúng là bị cáo phạm tội giết người thì chỉ có quyền y án sơ thẩm và kiến nghị cấp giám đốc thẩm xét lại bản án, chứ không có quyền chuyển từ tội cố ý gây thương tích sang tội giết người, vì làm như vậy, Toà án cấp phúc thẩm đã vi phạm Điều 196 Bộ luật tố tụng hình sự về giới hạn của việc xét xử. Mặt khác, Toà án cấp sơ thẩm chưa kết án bị cáo về tội giết người và nếu Toà án cấp phúc thẩm lại kết án bị cáo về tội giết người theo khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự thì vô tình đã tước mất quyền bào chữa của bị cáo và không thuộc thẩm quyền xét xử của Toà án cấp huyện.

Trường hợp nếu vụ án đó thuộc thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Toà án cấp tỉnh, thì cũng không vì thế mà cho rằng Toà án cấp phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao có quyền chuyển từ tội danh nhẹ hơn sang tội danh khác nặng hơn, vì làm như vậy Toà án cấp phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao cũng vi phạm về thẩm quyền xét xử. Tuy nhiên, nếu Viện kiểm sát đã truy tố bị cáo về tội giết người theo Điều 93 Bộ luật hình sự, trong giai đoạn điều tra, truy tố Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, bảo đảm đầy đủ các quyền của bị cáo, trong giai đoạn chuẩn bị cho việc xét xử của Toà án cấp sơ thẩm cũng đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự nhưng tại phiên toà vì những nguyên nhân khác nhau nên Hội đồng xét xử không kết án bị cáo về tội giết người mà kết án bị cáo về tội cố ý gây thương tích hoặc tội danh khác nhẹ hơn tội giết người như: tội vô ý làm chết người; tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh; tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng; tội làm chết người trong khi thi hành công vụ; tội bức tử; tội dúi dục hoặc giúp sức người khác tự sát; tội không cứu giúp người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng; tội đe doạ giết người. v.v… Sau khi xét xử sơ thẩm Viện kiểm sát kháng nghị phúc thẩm, đề nghị Toà án cấp phúc thẩm kết án bị cáo về tội giết người (tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố), và nếu có căn cứ thì Toà án cấp phúc thẩm trong trường hợp này lại có quyền chuyển từ tội cố ý gây thương tích sang tội giết người (tội danh khác nặng hơn so với tội danh mà Toà án cấp sơ thẩm đã kết án nhưng trong phạm vi tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố). Trường hợp này, Toà án cấp phúc thẩm không vi phạm về thẩm quyền và phạm vi xét xử phúc thẩm, vì tội danh mà Viện kiểm sát truy tố đã được Toà án cấp sơ thẩm xét xử, Kiểm sát viên đã trình bày lời luận tội đề nghị Hội đồng xét xử kết án bị cáo về tội mà Viện kiểm sát đã truy tố; bị cáo và người bào chữa đã được trình bày lời bào chữa; người bị hại và những người tham gia tố tụng khác đã được trình bày ý kiến của mình về vụ án, nhưng vì nguyên nhân khác nhau nên Toà án cấp sơ thẩm không kết án bị cáo về tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố và việc không kết án bị cáo về tội danh mà Viện kiểm sát truy tố rõ ràng là không đúng pháp luật thì Toà án cấp phúc thẩm có quyền kết án bị cáo về tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố.

Trường hợp tại phiên toà Kiểm sát viên rút quyết định truy tố bị cáo về tội giết người mà trong bản luận tội đã đề nghị Hội đồng xét xử kết án bị cáo về tội cố ý gây thương tích và Hội đồng xét xử cũng đồng ý với đề nghị của Kiểm sát viên nên đã kết án bị cáo về tội cố ý gây thương tích. Sau khi xét xử sơ thẩm đại diện hợp pháp của người bị hại kháng cáo  hoặc Viện kiểm sát thấy Kiểm sát viên rút quyết định truy tố bị cáo về giết người là sai và kháng nghị yêu cầu Toà án cấp phúc thẩm kết án bị cáo về tội giết người thì Toà án cấp phúc thẩm vẫn có quyền chuyển từ tội danh cố ý gây thương tích sang tội giết người, vì theo quy định tại Điều 181 Bộ luật tố tụng hình sự thì trước khi mở phiên toà mà Viện kiểm sát rút quyết định truy tố thì Toà án cấp sơ thẩm buộc phải đình chỉ vụ án, còn tại phiên toà sơ thẩm theo quy định tại Điều 195 Bộ luật tố tụng hình sự thì sau khi xét hỏi, Kiểm sát viên có thể rút một phần hay toàn bộ quy định truy tố hoặc kết luận về tội danh nhẹ hơn, nhưng Hội đồng xét xử vẫn phải xét xử toàn bộ vụ án, tức là Hội đồng xét xử sơ thẩm có quyền chấp nhận hoặc không chấp nhận việc rút quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn của Kiểm sát viên.

Nếu cho rằng, “áp dụng điều khoản của Bộ luật hình sự về tội nặng hơn” bao gồm cả việc áp dụng thêm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, theo tội cũng không đúng. Bởi lẽ, điều luật chỉ quy định “áp dụng điều khoản của Bộ luật hình sự về tội nặng hơn” chứ không quy định áp dụng thêm tình tiết tăng nặng. Do đó, nếu có kháng cáo hoặc kháng nghị yêu cầu Toà án cấp phúc thẩm áp dụng thêm tình tiết tăng nặng đối với bị cáo mà Toà án cấp phúc thẩm cũng thấy bị cáo phạm tội có tình tiết tăng nặng đó theo quy định tại khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự thì cũng không được áp dụng thêm tình tiết tăng nặng mà Toà án cấp phúc thẩm chỉ có quyền kiến nghị cấp giám đốc thẩm xem xét. Hơn nữa về nguyên tắc, đối với những quyết định không có lợi cho bị cáo mà pháp luật không quy định thì không được áp dụng, không phải sai lầm nào của Toà án cấp sơ thẩm, Toà án cấp phúc thẩm cũng sửa được. Chính vì vậy Bộ luật tố tụng hình sự mới quy định thủ tục giám đốc thẩm để giải quyết những trường hợp Toà án cấp sơ thẩm sai nhưng Toà án cấp phúc thẩm không thể sửa được. Ngay trong trường hợp người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của họ chỉ kháng cáo tăng hình phạt mà không yêu cầu Toà án cấp phúc thẩm áp dụng thêm tình tiết tăng nặng thì Toà án cấp phúc thẩm cũng không được áp dụng. Trường hợp yêu cầu kháng cáo của người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của họ không rõ ràng chỉ nêu chung chung, không đồng ý với bản án mà Toà án cấp sơ thẩm đã tuyên đối với bị cáo hoặc kháng cáo toàn bộ bản án thì cũng không vì thế mà cho rằng Toà án cấp phúc thẩm có quyền áp dụng thêm tình tiết tăng nặng đối với bị cáo, vì người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của họ chỉ có quyền kháng cáo về phần bồi thường và về hình phạt đối với bị cáo, còn các quyết định khác họ không có quyền kháng cáo.

Trường hợp Toà án cấp phúc thẩm chuyển từ “án treo” sang án “tù giam” cũng không thể coi là “áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nặng hơn”. Đây cũng là vấn đề từ trước đến nay các Toà án cấp phúc thẩm đều áp dụng và không có gì phải băn khoăn, mặc nhiên coi đây là đúng pháp luật. Tuy nhiên, căn cứ vào Điều 249 Bộ luật tố tụng hình sự thì chỉ có quy định: Toà án cấp phúc thẩm “giữ nguyên mức hình phạt tù và cho hưởng án treo” chứ không có quy định nào cho phép Toà án cấp phúc thẩm chuyển từ “án treo” thành “án tù giam”. Việc Toà án cấp phúc thẩm chuyển từ “án treo” thành  “án tù giam” theo chúng tôi là không đúng, vì khoản 3 Điều 249 Bộ luật tố tụng hình sự chỉ quy định: “Trong trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị hoặc người bị hại kháng cáo yêu cầu thì Toà án cấp phúc thẩm có thể tăng hình phạt, áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nặng hơn; tăng mức bồi thường thiệt hại, nếu có kháng nghị của Viện kiểm sát hoặc kháng cáo của người bị hại, nguyên đơn dân sự”. Như vậy, cho dù có kháng cáo, kháng nghị theo hướng “tăng nặng” nhưng khi sửa bản án theo hướng tăng nặng, Toà án cấp phúc thẩm phải căn cứ vào quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, với tinh thần “pháp luật cho phép mới được làm”. Việc Toà án cấp phúc thẩm chuyển từ “án treo” thành “tù giam” không  thể coi là “áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nặng hơn”; việc không áp dụng Điều 60 Bộ luật hình sự càng không phải là đã “áp dụng điều khoản Bộ luật hình sự về tội nặng hơn”.

Đối với trường hợp tăng mức hình phạt thì không coi là trường hợp “áp dụng điều khoản của Bộ luật hình sự về tội năng hơn”, vì đó là hình phạt, cũng như mức bồi thường thiệt hại, không liên quan đến việc áp dụng điều khoản của Bộ luật hình sự; tăng mức hình phạt và áp dụng điều khoản của Bộ luật hình sự về tội năng hơn là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau, nhưng có liên quan đến nhau. Toà án cấp phúc thẩm khi “áp dụng điều khoản của Bộ luật hình sự về tội năng hơn”, có thể tăng hình phạt, nhưng không phải hễ cứ “áp dụng điều khoản của Bộ luật hình sự về tội năng hơn” là đều tăng hình phạt mà có trường hợp tuy Toà án cấp phúc thẩm “áp dụng điều khoản của Bộ luật hình sự về tội năng hơn” nhưng không tăng hình phạt, thậm chí còn có thể giảm hình phạt cho bị cáo.

Có ý kiến cho rằng, nếu Toà án cấp phúc thẩm không được áp dụng thêm tình tiết tăng nặng, chuyển từ tội danh nhẹ sang tội danh khác nặng hơn, chuyển từ án treo sang án tù giam thì không bảo đảm quyền kháng cáo của người bị hại, vì theo quy định tại Điều 51 Bộ luật tố tụng hình sự thì người bị hại có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm, trong đó có việc kháng cáo để yêu cầu Toà án cấp phúc thẩm chuyển tội danh, áp dụng điều khoản của của Bộ luật hình sự về tội nặng hơn, chuyển từ án treo thành án tù giam, xác định thêm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự..., tức là có quyền kháng cáo “toàn bộ” bản án sơ thẩm. Quan điểm này, theo chúng tôi cũng không đúng. Từ trước đến nay, kể cả khi Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 đang còn hiệu lực pháp luật các Thẩm phán cũng tưởng là người bị hại có quyền kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Kiểm tra lại, chúng tôi thấy, Điều 39 Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 và Điều 51 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 đều chỉ quy định người bị hại có quyền “kháng cáo bản án, quyết định của Toà án về phần bồi thường cũng như về hình phạt đối với bị cáo”, chứ không có quy định người bị hại có quyền kháng cáo “toàn bộ” bản án sơ thẩm như từ trước đến nay một số người lầm tưởng. Thực tiễn xét xử đã có một thời gian dài, Toà án cấp sơ thẩm tuyên bố bị cáo không phạm tội, người bị hại hoặc Viện kiểm sát kháng nghị theo hướng phải kết tội bị cáo, Toà án cấp phúc thẩm đã chấp nhận kháng cáo của người bị hại hoặc kháng nghị của Viện kiểm sát để kết tội bị cáo. Đến khi Toà án nhân dân tối cao phát hiện việc kết án của Toà án cấp phúc thẩm như vậy là không đúng thì tình trạng này mới được các Toà án cấp phúc thẩm khắc phục, nhưng về phía Viện kiểm sát thì vẫn không đồng ý; đến khi Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 có hiệu lực pháp luật thì vấn đề này mới chính thức được quy định là Toà án cấp phúc thẩm có quyền huỷ bản án sơ thẩm để xét xử sơ thẩm lại nếu xét thấy việc truy tố của Viện kiểm sát là có căn cứ và không thuộc trường hợp phải điều tra lại. (điểm b khoản 2 Điều 250 Bộ luật tố tụng hình sự). Chúng tội đồng ý với quan điểm cho rằng, trong các trường hợp không thuộc thẩm quyền quyết định của Toà án cấp phúc thẩm mà rõ ràng có căn cứ cho rằng, Toà án cấp sơ thẩm đã ra bản án không đúng pháp luật thì cho phép Toà án cấp phúc thẩm huỷ bản án sơ thẩm để xét xử sơ thẩm lại tương tự như trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 250 Bộ luật hình sự, nhưng với điều kiện là phải sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự. Khi Bộ luật tố tụng hình sự chưa sửa đổi, bổ sung thì chỉ có một cách duy nhất là y án và kiến nghị cấp giám đốc thẩm.

Về thẩm quyền kháng nghị phúc thẩm của Viện trưởng Viện kiểm sát đối với bản án sơ thẩm cũng là vấn đề cần trao đổi. Về nguyên tắc, Viện trưởng Viện kiểm sát có quyền kháng nghị “toàn bộ” bản án sơ thẩm nhưng việc kháng nghị theo hướng không có lợi cho bị cáo còn phải căn cứ vào thẩm quyền và phạm vi xét xử của Toà án cấp phúc thẩm, nếu kháng nghị của Viện kiểm sát mà không thuộc thẩm quyền và phạm vi xét xử của Toà án cấp phúc thẩm thì kháng nghị đó cũng vô nghĩa. Ví dụ: Viện kiểm sát truy tố bị cáo A 5 hành vi tham ô tài sản, nhưng Toà án cấp sơ thẩm chỉ kết án A 2 hành vi tham ô mà Viện kiểm sát đã truy tố còn 3 hành vi Toà án cấp sơ thẩm xác định bị cáo A phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản chứ không phải phạm tội tham ô tài sản, nhưng vì Viện kiểm sát không truy tố A về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản nên Toà án cấp sơ thẩm không thể kết án A thêm tội này. Nếu Viện kiểm sát không đồng ý với quyết định của Toà án cấp sơ thẩm mà kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm và Toà án cấp phúc thẩm cũng thấy rằng 3 hành vi còn lại của bị cáo A là hành vi phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì Toà án cấp phúc thẩm cũng không thể kết án bị cáo A thêm “tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” được, vì tội phạm này Viện kiểm sát chưa truy tố và Toà án cấp sơ thẩm chưa xét xử bị cáo A về tội này. Tuy nhiên, nếu có căn cứ cho rằng 3 hành vi còn lại mà Toà án cấp sơ thẩm không kết án bị cáo về tội tham ô tài sản mà xác định bị cáo phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là trái pháp luật thì Toà án cấp phúc thẩm lại có quyền kết án bị cáo cả 5 hành vi về tội tham ô tài sản, vì cả 5 hành vi này Viện kiểm sát đã truy tố và Toà án cấp sơ thẩm đã đưa ra xét xử.  Như vậy, thẩm quyền và phạm vi xét xử của Toà án cấp phúc thẩm cũng là một trong những căn cứ kháng nghị phúc thẩm.1

Tóm lại, so với thực tiễn xét xử từ trước đến nay mà Toà án cấp phúc thẩm đang áp dụng theo chúng tôi chỉ có trường hợp chuyển từ khung hình phạt có mức hình phạt hoặc loại hình phạt nhẹ sang khung hình phạt có mức hình phạt hoặc loại hình phạt nặng hơn là đúng với thẩm quyền và đúng với quy định tại khoản 3 Điều 249 Bộ luật tố tụng hình sự. Tuy nhiên, để thay đổi một thực trạng, mà đó lại là vẫn đề có liên quan đến thẩm quyền xét xử, đến thẩm quyền kháng nghị phúc thẩm, đến quyền và lợi ích chính đáng của người tham gia tố tụng, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, thì nhất thiết phải có sự hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền. Chúng tôi hy vọng rằng, qua bài viết này các bạn đồng nghiệp, các nhà khoa học pháp lý, các cán bộ làm công tác pháp luật tham gia trao đổi; đồng thời đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tổng kết vấn đề này và hướng dẫn để Toà án cấp phúc thẩm thực hiện. Về lâu dài, khi có chủ trương sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 nhà làm luật có thể quy định cho Toà án cấp phúc thẩm có quyền huỷ bản án sơ thẩm để xét xử sơ thẩm lại trong trường hợp cho hưởng án treo không đúng, áp dụng thiếu tình tiết tăng nặng hoặc xét xử không đúng với tội danh mà bị cáo đã thực hiện và tội danh đó nặng hơn tội danh mà Viện kiểm sát truy tố hoặc Toà án cấp sơ thẩm đã kết án đối với bị cáo; đồng thời quy định cho Toà án cấp sơ thẩm có thể kết án bị cáo thêm tội danh khác bằng hoặc nhẹ hơn tội danh mà Viện kiểm sát đã truy tố đối với hành vi Viện kiểm sát truy tố không đúng với tội danh mà bị cáo thực hiện như trường hợp chúng tôi đã ví dụ đối với bị cáo A.

 
1 Xem: Đinh Văn Quế “bàn thêm về căn cứ kháng nghị phúc thẩm vụ án hình sự”. Tạp chí Kiểm sát. Số 15/8-2007 và 17/8-2007.Tr 36 và 29.
 
Nguồn: Thạc sỹ: Đinh Văn Quế

 

Gửi yêu cầu