Pháp luật Hôn nhân và Gia đình

MỨC PHẠT KHI NGĂN CẢN VIỆC THĂM NOM, CHĂM SÓC GIỮA CÁC THÀNH VIÊN GIA ĐÌNH VỚI NHAU?


Luật sư tư vấn:

Căn cứ pháp lý: Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 và  Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình. Có thể phân tích như sau:

 

1. Quyền và nghĩa vụ trong quan hệ gia đình 

1.1. Quyền và nghĩa vụ giữa ông, bà và cháu:

Ông, bà - cháu: Ông bà nội, ông bà ngoại có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục cháu, sống mẫu mực và nêu gương tốt cho con cháu.

Cháu chưa thành niên, cháu đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình mà không có người nuôi dưỡng (anh, chị, em) thì ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ nuôi dưỡng cháu.

Cháu - ông, bà: Cháu có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà nội, ông bà ngoại; trường hợp ông bà nội, ông bà ngoại không có con để nuôi dưỡng mình thì cháu đã thành niên có nghĩa vụ nuôi dưỡng.

Cháu đã thành niên không chung sống với ông bà nội, ông bà ngoại có nghĩa vụ cấp dưỡng cho ông bà nội, ông bà ngoại trong trường hợp ông bà không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không có người khác cấp dưỡng.

 

1.2. Quyền và nghĩa vụ giữa cha, mẹ và con cái:

* Cha, mẹ - con:

(1) Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội;

Cha mẹ cần tạo điều kiện, môi trường cho con một cách lành mạng, ấm áp, hòa thuận và cha mẹ là tấm gương mà con cái sẽ noi theo nên người cha, người mẹ cần ý thức về bản thân để trở thành một tấm gương tốt để con cái có thể phát triển một cách toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần.

Cha mẹ có thể hướng dẫn con chọn nghề nhưng trên cơ sở tôn trọng thì cha mẹ vẫn phải đảm bảo quyền chọn nghề, quyền tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của con.

(2) Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình;

(3) Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự;

(4) Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội;

(5) Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

(6) Tôn trọng quyền có tài sản riêng của con:

Con cái có quyền có tài sản riêng (gồm: tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và thu nhập hợp pháp khác, tài sản được hình thành từ tài sản riêng của con).

Khi con đủ từ 15 tuổi trở lên có thể tự mình quản lý tài sản riêng hoặc nhờ cha mẹ quản lý. Đối với độ tuổi từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có quyền định tài sản riêng trừ tài sản đó là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc dùng tài sản để kinh doanh thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ hoặc người giám hộ

Những tài sản riêng của con dưới 15 tuổi, con mất năng lực hành vi dân sự sẽ do cha mẹ quản lý, cha mẹ có thể ủy quyền cho người khác quản lý tài sản riêng của con. Nhưng con từ đủ 15 tuổi trở lên hay khi con khôi phục năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì tài sản riêng của con do cha mẹ hoặc người khác quản lý giao lại cho con. Cha mẹ hoặc người giám hộ quản lý tài sản riêng của con có quyền định đoạt tài sản riêng của con vì lợi ích của con. Trường hợp con từ đủ 09 tuổi trở lên thì phải xem xét đến nguyện vọng của con.

* Con - cha, mẹ:

(1) Được cha mẹ thương yêu, thực hiện các quyền, lợi ích hợp pháp về nhân thân và tài sản theo quy định của phép luật; được học tập và giáo dục; được phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức;

(2) Có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, giữ gìn danh dự, truyền thống tốt đẹp của gia đình.

(3) Con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì có quyền sống chung với cha mẹ, được cha mẹ trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc. 

(4) Con đã thành niên có quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp, nơi cư trú, học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội theo nguyện vọng và khả năng của mình.

Khi sống cùng với cha mẹ thì người con có nghĩa vụ tham gia công việc gia đình, lao động, sản xuất, tạo thu nhập nhằm bảo đảm đời sống chung của gia đình; đóng góp thu nhập vào việc đáp ứng nhu cầu của gia đình phù hợp với khả năng của mình.

(5) Con có nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, đặc biệt khi cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, già yếu, khuyết tật. Nếu gia đình có nhiều con thì các con phải cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ.

Ở đây, quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ và con cái không chỉ có mối quan hệ giữa cha mẹ đẻ và con đẻ mà còn có mối quan hệ giữa cha nuôi, mẹ nuôi và con nuôi; cha dượng, mẹ kế và con riêng của vợ hoặc của chồng; cha mẹ vợ, cha mẹ chồng với con rể, con dâu.

 

1.3. Quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng

* Quyền và nghĩa vụ về nhân thân:

Thứ nhất, vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình.

Thứ hai, vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác.

Thứ ba, vợ, chồng có nghĩa vụ tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhau.

Thứ tư, vợ, chồng có nghĩa vụ tôn trọng, giữ gìn và bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín cho nhau.

Thứ năm, vợ, chồng có quyền, nghĩa tạo điều kiện, giúp đỡ nhau chọn nghề nghiệp; học tập, nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ; tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

* Quyền và nghĩa vụ về chế độ tài sản:

Thứ nhất, vợ chồng có quyền bình đẳng về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập.

Thứ hai, vợ, chồng có nghĩa vụ bảo đảm điều kiện để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình. Trong trường hợp vợ chồng không có tài sản chung hoặc tài sản chung không đủ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì vợ, chồng có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng theo khả năng kinh tế của mỗi bên.

Thứ ba, vợ chồng có nghĩa vụ chung về tài sản như sau: nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm; nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình; nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;....

Thứ tư, vợ, chồng có các nghĩa vụ riêng về tài sản gồm có: nghĩa vụ của mỗi bên vợ, chồng có trước khi kết hôn; nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng; nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình; nghĩa vụ phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật của vợ, chồng.

 

1.4. Quyền và nghĩa vụ giữa anh chị em với nhau

Theo quy định tại Điều 105 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, anh, chị, em có quyền, nghĩa vụ thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ nhau; có quyền, nghĩa vụ nuôi dưỡng nhau trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có điều kiện trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con.

Và tại Điều 39 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình thì cá nhân có các quyền nhân thân khác trong quan hệ giữa các thành viên trong gia đình và anh chị em ruột là những thành viên gia đình. Trường hợp sống chung thì các thành viên gia đình có nghĩa vụ tham gia công việc gia đình, lao động tạo thu nhập, đóng góp công sức, tiền và tài sản khác để duy trì đời sống chung của gia đình phù hợp với khả năng thực tế của bản thân.

Anh chị em có quyền và nghĩa vụ thương yêu nhau, chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau khi gặp khó khăn. Ngoài ra, trường hợp không còn bố mẹ hoặc bố mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để cấp dưỡng cho con thì anh, chị đã thành niên không sống chung với em có nghĩa vụ cấp dưỡng cho: (1) Em chưa thành niên không có tài sản để tự nuôi mình hoặc (2) em đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. 

Trường hợp em đã thành niên không sống chung với anh, chị có nghĩa vụ cấp dưỡng cho anh, chị không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

 

2. Mức xử phạt vi phạm hành chính vi phạm nghĩa vụ thăm nom, chăm sóc

Theo Điều 56 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, thực hiện hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau thì phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Ngoài ra, thực hiện hành vi vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng được quy định tại Điều 57 Nghị định 144/2021/NĐ-CP:

+ Hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn; từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại với cháu theo quy định của pháp luật thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

+ Hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha, mẹ; nghĩa vụ cấp dưỡng; chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng

Khi thực hiện những hành vi này thì người thực hiện hành vi vi phạm buộc thực hiện nghĩa vụ đóng góp, nuôi dưỡng theo quy định.

Trên đây là toàn bộ nội dung bài viết mà Luật Khang Thái muốn gửi đến bạn đọc. Nếu bạn đọc có bất kỳ vướng mắc nào liên quan đến vấn đề này hay vấn đề pháp lý khác thì vui lòng liên hệ tới bộ phận tổng đài tư vấn pháp luật của Luật Khang Thái qua số 0946 971 777 để được hỗ trợ kịp thời. Xin chân thành cảm ơn!

Gửi yêu cầu