Trả lời:
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi thắc mắc đến Luật Khang Thái, chúng tôi xin tư vấn trường hợp của bạn như sau:
1. Kết hôn nhưng không đăng ký có vi phạm không?
Tuy bạn không cung cấp thông tin nhưng chúng tôi giả định rằng bạn và người yêu bạn đã đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình và hộ tịch; chỉ là các bạn không làm thủ tục đăng ký kết hôn mà thôi. Do đó, hai bạn không vi phạm pháp luật về việc kết hôn. Còn về việc không đăng ký kết hôn khi đã làm đám cưới và về sống chung với nhau thì Khoản 1 Điều 9 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định như sau:
"Điều 9. Đăng ký kết hôn
1. Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch.
Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý.”
Như vậy, pháp luật quy định khi kết hôn thì phải đăng ký dưới phương diện khuyến khích. Khi đó, việc kết hôn sẽ có giá trị pháp lý và được pháp luật điều chỉnh, bảo vệ. Còn về việc kết hôn mà không đăng ký thì pháp luật không cấm tuy nhiên pháp luật sẽ không thừa nhận và không có giá trị về mặt pháp lý và do đó, nếu phát sinh vấn đề giữa vợ chồng thì sẽ không được điều chỉnh theo quy định pháp luật về quan hệ vợ chồng. Vì vậy, bạn và người yêu có thể kết hôn mà không đăng ký tuy nhiên trên pháp lý hai bạn sẽ không được công nhận là có quan hệ vợ chồng.
Đồng thời, Khoản 7 Điều 3 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định:
"7. Chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng.”
Như vậy, pháp luật vẫn thừa nhận và cho phép việc nam nữ sống chung mà không đăng ký kết hôn.
Do vậy, bạn và người yêu có thể làm đám cưới, sống chung với nhau mà không đăng ký kết hôn. Khi đó, pháp luật chỉ không công nhận chế độ vợ chồng của hai bạn và về mặt pháp lý quan hệ giữa hai bạn sẽ được xác định là quan hệ "chung sống như vợ chồng" chứ hành vi này của hai bạn không vi phạm pháp luật và theo đó sẽ không bị xử lý gì cả.
2. Hậu quả của việc kết hôn mà không đăng ký
Theo quy định tại Điều 14, Điều 15 và Điều 16 Luật hôn nhân và gia đình 2014, việc kết hôn mà không đăng ký có thể dẫn tới những hậu quả sau:
- Về quan hệ hôn nhân: Không được pháp luật thừa nhận, không có giá trị pháp lý. Do đó, trên pháp luật hai bạn vẫn thuộc trường hợp chưa có vợ, chưa có chồng, vì vậy, 1 trong 2 bên vẫn có thể đăng ký kết hôn với người khác nếu đủ điều kiện kết hôn mà người còn lại không có quyền phản đối.
- Về quyền, nghĩa vụ các bên: Không phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ chồng của hai bạn, do đó, nếu 1 trong hai bên vi phạm nghĩa vụ vợ chồng thì tranh chấp đó không thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật về hôn nhân gia đình mà sẽ giải quyết theo pháp luật về dân sự như các chủ thể bình thường.
- Vấn đề con cái: Nếu hai bạn sinh con trong thời gian sống chung thì con bạn vẫn được khai sinh, tuy nhiên, việc hai bạn chưa đăng ký kết hôn sẽ ảnh hưởng đến việc làm thủ tục khai sinh cho con bạn. Cụ thể, do hai bạn không có quan hệ vợ chồng (theo pháp luật) do đó, khi bạn sinh con thì người yêu bạn sẽ không mặc nhiên được pháp luật thừa nhận là bố của con bạn, do đó, việc khai sinh cho con bạn lúc đó sẽ có 2 trường hợp: Một là, hai bạn làm thủ tục đăng ký kết hôn trước sau đó đi khai sinh cho con, lúc này, theo Khoản 1 Điều 88 Luật hôn nhân gia đình hai bạn chỉ cần làm văn bản cam kết thừa nhận đứa bé là con chung của hai bạn thì đứa bé sẽ được thừa nhận là con chung của hai bạn và khi khai sinh hai bạn sẽ đương nhiên được xác định là cha, mẹ của đứa bé; hai là, nếu tại thời điểm đó hai bạn vẫn không làm thủ tục đăng ký kết hôn thì để được ghi tên người yêu bạn là bố đứa bé trong giấy khai sinh của con bạn thì người yêu bạn phải làm thủ tục nhận con và được Tòa công nhận quan hệ cha con, khi đó, cán bộ hộ tịch với công nhận và ghi tên người yêu bạn là cha đứa bé trong giấy khai sinh.
Còn về quyền, nghĩa vụ giữa hai bạn với con trong khi sống chung thì sẽ vẫn được điều chỉnh theo quy định của Luật hôn nhân gia đình về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con.
- Vấn đề tài sản, nghĩa vụ, hợp đồng: Nếu có tranh chấp về tài sản, nghĩa vụ, hợp đồng giữa hai bạn trong khi sống chung thì sẽ được giải quyết theo thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì giải quyết theo pháp luật về dân sự.
- Vấn đề ly hôn: Giải quyết theo quy định tại Khoản 2 Điều 53 Luật hôn nhân gia đình 2014.
Khuyến nghị:
Để có ý kiến tư vấn chính xác và cụ thể hơn, Quý vị vui lòng liên hệ với các Luật sư chuyên gia của Công ty Luật Khang Thái qua Tổng đài tư vấn pháp luật (+84) 946 971 777 or 0964 091 777 , hoặc E-mail: luatsuphonghn@gmail.com
Nội dung bài tư vấn pháp luật hôn nhân và gia đình mà Công ty Luật Khang Thái cung cấp, Quý vị chỉ nên xem như nguồn tài liệu tham khảo.