Trong thời gian vừa qua, trong các cuộc hội thảo, hội nghị, khi góp ý sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự 2003, nhiều chuyên gia kiến nghị: Bộ luật tố tụng hình sự nên chính thức ghi nhận một tư tưởng pháp lý tiến bộ, đó là “Nguyên tắc suy đoán vô tội”. Việc ghi nhận nguyên tắc này nhằm chống lại sự truy cứu chủ quan, duy ý chí của cơ quan tố tụng.
Vấn đề đặt ra là, phải chăng Bộ luật tố tụng hình sự nước ta không quy định nguyên tắc “suy đoán vô tội” đã làm cho việc khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử không khách quan, mà hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức chủ quan của người tiến hành tố tụng ? Và, nếu Bộ luật tố tụng hình sự quy định nguyên tắc “suy đoán vô tội” có cải thiện được tình hình hình “kết tội chủ quan” hay không ?
Theo số liệu thống kê của các cơ quan tiến hành tố tụng thì từ khi có Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 02-1-2002 của Bộ Chính trị đến nay, tỷ lệ các vụ án hình sự bị khởi tố, truy tố, xét xử oan hầu như rất thấp; riêng đối với ngành Toà án thì việc kết án oan hầu như không còn (theo báo cáo tổng kết công tác xét xử hàng năm); đúng ra thì hàng năm các Toà án xét xử án hình sự chưa phát hiện được người bị kết án bị oan, còn sau một thời gian, có thể một năm, hai năm, ba năm... mà phát hiện được việc kết án oan người vô tội thì chưa được thống kê. Cứ cho rằng, việc khởi tố, truy tố, xét xử còn một tỷ lệ “oan sai” nhất định thì cũng không vì thế mà đổ tại Bộ luật tố tụng hình sự không quy định nguyên tắc “suy đoán vô tội” mà nguyên nhân của oan sai lại do chính từ việc không tuân thủ các quy định, các nguyên tắc của Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành.
Bản chất của nguyên tắc “suy đoán vô tội” có phải là cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng luôn luôn không được coi bị can, bị cáo là người có tội nếu như người đó chưa bị Toà án kết án hoặc tuy đã bị kết án nhưng bản án đó chưa có hiệu lực pháp luật ? Nếu đúng như vậy thì dù Bộ luật tố tụng hình sự chưa quy định nguyên tắc “suy đoán vô tội” thì cũng đã có những quy định tương tự như: “không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật” (Điều 9) và “trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội” (Điều 10) và nhiều quy định khác của Bộ luật hình sự cũng quy định cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng phải khởi tố, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Tuy nhiên, nghiên cứu pháp luật của một số nước có quy định nguyên tắc “suy đoán vô tội” thì bản chất của nguyên tắc này không phải như thế, mà nguyên tắc này được giải thích là: trong mọi trường hợp nếu một người thực hiện một hành vi mà hành vi đó còn ý kiến khác nhau về việc định tội thì phải áp dụng nguyên tắc có lợi cho người có hành vi đó, tức là không được kết tội người có hành vi; trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử nếu bên “buộc tội” không đưa ra được những bằng chứng xác đáng mà “gỡ tội” lại đưa ra được những bằng chứng phản ảnh bị can, bị cáo không phạm tội thì không được truy cứu người có hành vi đó. Nguyên tắc “suy đoán vô tội” xét về mặt nào đó thì đối lập với nguyên tắc: “xác định sự thật của vụ án”. Sự thật nó thế nào thì phải chứng minh, đi tìm, chứ không được “suy đoán” theo bất cứ hướng nào. Nếu ghi nhận nguyên tắc “suy đoán vô tội” cũng tức là không cần đến nguyên tắc “xác định sự thật của vụ án”. Và như vậy, bản chất pháp luật của nước ta cũng sẽ bị thay đổi.
Nguyên tắc “suy đoán vô tội” cũng không đồng nghĩa với một số nguyên tắc tố tụng đã quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự như: Bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa (Điều 3); bảo đảm quyền bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật (Điều 5); bảo đảm quyền bình đẳng trước Toà án (Điều 19).
Thực ra, nguyên tắc “suy đoán vô tội” chỉ để giải quyết vấn đề “được-thua” giữa Luật sư với Kiểm sát viên khi tranh tụng tại phiên toà, cũng như buộc Hội đồng xét xử phải chấp nhận “thắng-thua” giữa Kiểm sát viên với Luật sư mà không cần đến sự thật.
Về lý luận cũng như thực tiễn xét xử, để khởi tố, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật thì cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng phải luôn luôn khách quan, tránh suy xét chủ quan, duy ý chí. Trong bất cứ trường hợp nào cũng phải tìm cho được sự thật của vụ án là gì. Cũng chính vì vậy, Bộ luật tố tụng hình sự quy định “trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”
Tuy nhiên, có nhiều trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng đã xem xét rất khách quan nhưng vì trình độ có hạn nên xác định sai sự thật, xác định sai tội danh, áp dụng điều luật không đúng.v.v... Vì vậy, để khởi tố, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật thì không chỉ yêu cầu người tham gia tố tụng phải khách quan mà còn phải có một trình độ pháp luật uyên thâm (phải giỏi) thì mới đáp ứng yêu cầu. Bộ luật tố tụng hình sự cũng còn những quy định cho việc chứng minh tội phạm trong trường hợp hết thời hạn điều tra mà chưa chứng minh được tội phạm thì phải đình chỉ điều tra (Điều 164). Cũng phải nói ngay rằng, không phải nước nào cũng có quy định này, mà chỉ có quy định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, chứ không quy định thời hạn điều tra, truy tố, xét xử như ở nước ta.
Cũng phải thừa nhận một thực tế là, do tố tụng của ta là tố tụng thẩm vấn, chứ không phải là tố tụng tranh tụng, mọi diễn biến vụ án đã được “viết lại” bằng hồ sơ vụ án, khi đọc hồ sơ vụ án người tiến hành tố tụng đã bị chi phối bởi các tình tiết của vụ án được “tường thuật” mà các tình tiết này có thể là sự thật và cũng có thể không phải là sự thật, nhưng nói chung các tình tiết của vụ án được thu thập theo một trình tự do pháp luật quy định nên tư duy của người tiến hành tố tụng nước ta đã hằn vào tâm trí là: bị can, bị cáo là người có tội. Tư duy này đúng là biểu hiện của sự không khách quan, là sự yếu kém của người tiến hành tố tụng, muốn sửa phải có thời gian, phải học tập, rèn luyện chứ không chỉ quy định nguyên tắc “suy đoán vô tội” trong Bộ luật tố tụng hình sự thì tư duy này cũng biến mất. Điều tra viên, Viện kiểm sát, Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân lúc nào cũng nghĩ bị can, bị cáo không phải là người thực hiện hành vi phạm tội thì chứng minh làm gì nữa. Cần nhớ rằng, Bộ luật hình sự nước ta có hai khái niệm để mô tả hành vi nguy hiểm cho xã hội, đó là: tội phạm (Điều 8) và phạm tội (quy định trong các điều luật cụ thể), còn Điều 9 Bộ luật tố tụng hình sự quy định “không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của toà án đã có hiệu lực pháp luật” là một nguyên tắc tố tụng nói lên bản chất của hành vi phạm tội. Tội phạm, phạm tội và có tội là các khái niệm hoàn toàn khác nhau. Rất tiếc, khi giải quyết vụ án trong các giai đoạn tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng và có cả người tham gia tố tụng (chủ yếu là Luật sư bào chữa cho bị can, bị cáo) đã không phân biệt các khái niệm này với nhau, dẫn đến những hành vi tố tụng hoặc những yêu cầu không đúng pháp luật. Ví dụ: Tại phiên toà, Luật sư bào chữa cho bị cáo đề nghị chủ toạ phiên toà cho mở “còng số 8” cho bị cáo vì Luật sư nói rằng, theo Điều 9 Bộ luật tố tụng hình sự thì bị cáo chưa bị coi là có tội, nên phải được cư xử như người bình thường. Có phiên toà chủ toạ xử lý lúng túng, không biết giải quyết thế nào. Nếu Thẩm phán nắm chắc quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì việc có mở “còng số 8” hay không không phải căn cứ vào Điều 9 Bộ luật tố tụng hình sự mà phải căn cứ vào tình hình an ninh, trật tự của phiên toà mà quyết định việc có mở “còng số 8” cho bị cáo hay không ?
Mục đích của nguyên tắc “suy đoàn vô tội” phải chăng là đi tìm sự thật hoặc bảo đảm sự vô tư của người tiến hành tố tụng hay tính công bằng giữa những người tham gia tố tụng với người tiến hành tố tụng, giữa người bào chữa (Luật sư) với Kiểm sát viên tham gia phiên toà ?... Nếu đúng như vậy, thì Bộ luật tố tụng hình sự nước ta có quá nhiều quy định bảo đảm sự vô tư của người tiến hành tố tụng, bảo đảm sự bình đẳng, dân chủ giữa người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng. Chúng ta không phủ nhận một thực tế là mặc dù Bộ luật tố tụng hình sự đã quy định tương đối đầy đủ, nhưng về phía cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng vẫn chưa thực hiện tốt các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự đối với các quyền của người tham gia tố tụng; vẫn còn tư duy cũ coi người bị khởi tố, truy tố là người đã có tội, nên từ việc xưng hô đến việc đối xử với bị can, bị cáo như là một “kẻ tội phạm", vi phạm nguyên tắc dân chủ, bình đằng, vô tư trong tố tụng hình sự; không tôn trọng và bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo; gây khó dễ cho Luật sư khi làm thủ tục bào chữa cho bị can, bị cáo.v.v...
Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo. Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng, là một nguyên mà không phải quốc gia nào cũng có, nó thể hiện bản chất của Nhà nước, chứ không chỉ là sự tôn trọng sự thật. Các nước theo luật “án lệ” và tố tụng “tranh tụng” cũng quan tâm đến sự thật, nhưng “sự thật” có thể bị chôn vùi vì những quy định khắt khe khác của tố tụng, như Công tố viên “thua” Luật sư tại phiên toà. Ví dụ: Có vụ án giết người chứng cứ đã rõ, người bị truy tố đúng là thủ phạm nhưng tại phiên toà Luật sư cãi hay quá đã thuyết phục được Bồi thẩm đoàn nên Thẩm phán buộc phải tuyên bố không đủ chứng cứ buộc tội, tha bổng bị cáo, để rồi sau đó dùng quyền kiến nghị lên Toà án cấp trên xem xét lại. Ở những nước đó, còn có chế độ “Luật sư công”, tức là đối với những công tố viên yếu về trình độ hoặc chưa có kinh nghiệm xét xử thì phải mời Luật sư để giúp công tố viên buộc tội bị cáo; có khi có Luật sư rồi mà công tố vẫn thua. Công tố ở những nước như vậy chỉ gọi là “bên nguyên”, còn bị cáo là “bên bị”. Phải chăng, ở nước ta có cho phép Kiểm sát viên “thua” như vậy không ? Thực tiễn xét xử đã có trường hợp, tại phiên toà khi Luật sư đề nghị Kiểm sát viên tranh luận với mình về các chứng cứ gỡ tội mà Luật sư đưa ra để bào chữa cho bị cáo nhưng Kiểm sát viên không đủ lý lẽ để đối đáp với Luật sư nên chỉ nói một câu: “vẫn giữ nguyên ý kiến” Đã có trường hợp Luật sư bức xúc bỏ về, vì Kiểm sát viên không “thèm” đối đáp ! Việc Kiểm sát viên của ta tại phiên toà có lúc “thua” Luật sư nhưng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự thì Toà án còn có nhiệm vụ chứng minh tội phạm; có thể Kiểm sát viên không đối đáp nổi với Luật sư, nhưng nếu Hội đồng xét xử thấy có đủ chứng cứ buộc tội bị cáo thì sẽ được phân tích trong phần xét thấy của bản án và vấn kết án bị cáo được. Từ thực tế này, trong nhiều hội nghị, hội thảo các Luật sư đề nghị: nếu Kiểm sát viên “thua” thì Hội đồng xét xử (Toà án) phải tuyên bố bị cáo không phạm tội. Cá biệt gần đây khi thảo luận sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự cũng có nhiều ý kiến, trong đó có cả ý kiến của những người có trách nhiệm trong ngành kiểm sát cho rằng, Toà án không phải chứng minh tội phạm mà chỉ thực hiện chức năng xét xử, tức là điều khiển phiên toà để các bên tranh tụng, rồi phán quyết. Nếu quan điểm này được chấp thuận thì bản chất tố tụng của ta sẽ phải thay đổi nguyên tắc “Xác định sự thật của vụ án” cũng không cần quy định là một nguyên tắc; đồng thời phải sửa đổi, bổ sung rất nhiều quy định sao cho bản chất của tố tụng nước ta là tố tụng “tranh tụng” hoặc ít ra nó cũng “na ná” tố tụng tranh tụng như của một số nước theo luật “án lệ”. Khi Toà án không cần phải chứng minh tội phạm nữa mà việc chứng minh tội phạm hoàn toàn do Viện kiểm sát (công tố viên), thì Toà án chỉ còn mỗi việc ngồi nghe và “phán” ai nói hay, nói giỏi thì chấm cho người đó thắng, chẳng cần sự thật vụ án đó như thế nào, ai là thủ phạm nữa. Khi Toà án biết chắc chắn một người là thủ phạm gây án nhưng vì quy định của pháp luật mà phải tuyên bố họ vô tội thì bản chất nhà nước ta liệu có còn là nhà nước của dân, do dân, vì dân nữa không ?! bản chất của xét xử và cũng là mục đích của việc xét xử ở nước ta là: Đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, còn nói như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi đến thăm Toà án tối cao thì còn phải được sự đồng tình của nhân dân nữa. Hiểu “được sự đồng tình của nhân dân” là phải làm cho mọi người tâm phục, khẩu phục. Thực tiễn xét xử cho thấy có nhiều vụ án Toà án xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật nhưng không được nhân dân đồng tình, vì cách điều khiển phiên toà, cũng như lập luận trong bản án thiếu tính thuyết phục, bị những người dự phiên toà phản ứng gay gắt, thậm chí có trường hợp tấn công Hội đồng xét xử. Ở nước ta mà xét xử theo kiểu biết chắc ai là thủ phạm rồi mà vẫn bảo là không đủ căn cứ buộc tội thì liệu có tâm phục, khẩu phục hay không ?
Công bằng mà nói, từ năm 1975 đến nay, Toà án nước ta đã có nhiều tiến bộ vượt bậc, từ chỗ Thẩm phán và cán bộ Toà án chủ yếu là cán bộ chính trị, bộ đội chuyển ngành, tình độ pháp luật cao nhất cũng chỉ có trình độ cao đẳng Toà án, xét xử theo kiểu Toà án cách mạng thời chiến tranh thì nay đội ngũ Thẩm phán và cán bộ Toà án hầu hết đã có trình độ đại học luật, được đào tạo cơ bản và cũng không thiếu những chuyên gia giỏi về các lĩnh vực hình sự, dân sự, kinh tế, hành chính, lao động; việc xét xử đã từng bước bảo đảm “Bảo đảm tranh tụng dân chủ với Luật sư, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác...; việc phán quyết của Toà án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên toà”. như Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 02-1-2002 của Bộ Chính trị đã đề ra. Tuy nhiên, so với yêu cầu của cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì còn phải phấn đấu nhiều.
Sửa đổi, bổ sung Bộ luật tố tụng hình sự theo tinh thần cái cách tư pháp mà Nghị quyết số 49NQ/TW, ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị đã đề ra là việc làm cần thiết; bởi lẽ có nhiều quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 không còn phù hợp nữa, các quy định hiện hành còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo, nhiều vấn đề thực tiễn xét xử đặt ra chưa được thể hiện trong Bộ luật tố tụng hình sự, cần bổ sung. Ví dụ: Toà án cấp phúc thẩm có quyền chuyển án tù treo thành án tù giam hay không; người bị hại có quyền kháng cáo toàn bộ bản án Toà án cấp sơ thẩm hay không hay chỉ có quyền kháng cáo tăng hình phạt và tăng mức bồi thường ? Đại diện hợp pháp cho bị can, bị cáo là người chưa thành niên là ai ? Bào chữa viên viên nhân dân là người như thế nào ? Ai là người có quyền quyết định, huỷ bỏ, thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với người phạm tội trong trường hợp Toà án cấp phúc thẩm chưa thụ lý hồ sơ vụ án, mà Toà án cấp sơ thẩm đã hết thẩm quyền? Toà án cấp tính có thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thẩm nữa hay không ? Thẩm quyền giám đốc thẩm, tái thấm của các Toà thuộc Toà án tối cao như thế nào ? v.v... Chúng ta có nhiều việc phải làm trong công cuộc cải cách tư pháp, nhưng phải bảo đảm các nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu mà Nghị quyết số 49NQ/TW, ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị đề ra.
Loại trừ những động cơ khác, nếu Bộ luật tố tụng hình sự quy định nguyên tắc “suy đoán vô tội” cùng với nguyên tắc “tranh tụng” thay cho tố tụng thẩm vấn thì không chỉ phải “gỡ bỏ toàn bộ Bộ luật tố tụng hình sự để viết lại, mà toàn bộ hệ thống pháp luật của nước ta, từ Hiến pháp đến các đạo luật, từ việc tổ chức Bộ máy nhà nước đến các thiết chế thượng tầng kiến trúc cũng phải thay đổi. Và như vậy, định hướng xã hội chủ nghĩa cũng khó mà giữ được.
Nguồn: Thạc sỹ: Đinh Văn Quế