Tin pháp luật

Không “bôi trơn”, nhiều doanh nghiệp vẫn sợ bị phân biệt đối xử


Công bố kết quả giám sát trong lĩnh vực thuế và hải quan...
55% số doanh nghiệp được khảo sát vẫn có tâm lý e ngại nếu không chi trả phí không chính thức trong lĩnh vực thuế, sẽ bị phân biệt đối xử.
 
Bộ trưởng Bộ Tài chinh Đinh Tiến Dũng (giữa) lắng nghe kết quả giám sát về thuế và hải quan -Ảnh: Minh Thuý.


Đây là kết quả khảo sát tại 180 đơn vị là các hiệp hội doanh nghiệp, liên minh hợp tác xã về việc thực hiện Nghị quyết số 19 của Chính phủ trong lĩnh vực thuế và hải quan năm 2015, vừa được công bố chiều 12/12.

Đối với hai lĩnh vực này, mục tiêu của khảo sát là đánh giá tình hình thực hiện thủ tục hành chính, mức độ tạo thuận lợi và hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.

Có tới 6 cơ quan cùng thực hiện giám sát nội dung nói trên, gồm Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam.

Đảo ngược tình thế 20 - 80

Theo khái quát của Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, từ hai điểm nóng nhất của môi trường kinh doanh trước đây, thuế và hải quan đang trở thành hai mũi tiên phong trong cải cách hành chính.

Thông điệp quan trọng từ cuộc giám sát là cộng đồng doanh nghiệp Việt đánh giá cao những chuyển biến tích cực của ngành thuế và hải quan trong thời gian qua.

Nhưng, kết quả khảo sát cũng cho thấy, sự đồng hành, lắng nghe, chia sẻ và được phản hồi có trách nhiệm từ hai ngành này dù là nhu cầu cấp thiết, nhưng lại chưa được quan tâm thích đáng.

Chỉ có khoảng 20% các đơn vị tham gia khảo sát cho rằng cán bộ công chức hai ngành lắng nghe ý kiến của khách hàng khi giải quyết thủ tục hành chính.

Nhấn mạnh đây là con số rất đáng chú ý, ông Lộc cho rằng con số này cần được đảo ngược trong thời gian tới. Tức là 80% cán bộ, công chức tận tình chu đáo với doanh nghiệp. 

“Phản hồi từ cộng đồng doanh nghiệp là họ muốn được nhận sự tận tình chu đáo, chứ không chỉ lạnh lùng thực hiện trách nhiệm”, ông Lộc nhấn mạnh.

Cũng thừa nhận là thuế và hải quan đang đi tiên phong trong thực hiện nghị quyết 19, song Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung đồng tình phải đảo ngược tình thế 20 - 80 trong thời gian tới.

Tuy nhiên đây có vẻ là yêu cầu không dễ dàng, khi kết qủa khảo sát cho thấy không chỉ trong lĩnh vực thuế như đã nói trên, mà với hải quan, thì chi phí không chính thức cũng tiếp tục là mối lo lắng của doanh nghiệp.

Có đến 64% doanh nghiệp vẫn có tâm lý nếu không chi, sẽ bị hải quan phân biệt đối xử như kéo dài thời gian hoặc yêu cầu bổ sung, giải trình hồ sơ, theo kết quả giám sát.

Còn nhiều phiền hà

Kết quả giám sát cũng cho thấy, trong lĩnh vực thuế thì thanh kiểm tra thuế, hoàn thuế, miễn giảm thuế là ba nhóm thủ tục được các hiệp hội doanh nghiệp cho biết còn nhiều phiền hà. 

Các phiền hà này có thể là là thời gian giải quyết quá dài (68%) hoặc bị yêu cầu cung cấp thêm thông tin không cần thiết (54%).

Còn với hải quan thì ba nhóm thủ tục hải quan được các hiệp hội và liên minh hợp tác xã đánh giá phiền hà nhất là giải quyết khiếu nại, xử lý vi phạm hành chính và thủ tục thông quan. 

Các phiền hà chính vẫn là thời gian giải quyết quá dài (69%) và yêu cầu cung cấp thêm nhiều loại thông tin, giấy tờ không cần thiết (62%).

Nhấn mạnh chỉ số thông quan là cực kỳ quan trọng, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung nêu một tính toán cho thấy nếu giảm thời gian thông quan được một ngày thì mỗi năm tiết kiệm được 1 tỷ USD.

Ông Cung cũng bày tỏ lo ngại khi sự không rõ ràng, không minh bạch trong kiểm tra chuyên ngành đã làm giảm đáng kể tốc độ thông quan. 

Hiện tại thời gian thông quan cho cả xuất, nhập khẩu đều trên 20 ngày, ông Cung cho biết. 

Theo VnEconomy

 

Gửi yêu cầu