Thực trạng cho vay lãi suất tiêu dùng của các công ty tài chính và đề xuất giải pháp quản lý
THS. NGUYỄN ĐỨC LONG – Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Trong những năm qua, hoạt động cho vay tiêu dùng tại Việt Nam phát triển khá mạnh, với sự tham gia tích cực của nhiều tổ chức tín dụng (TCTD), đặc biệt là các công ty tài chính (CTTC). Dù còn ở mức khiêm tốn nhưng tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng và tỷ trọng tín dụng tiêu dùng so với tổng tín dụng đối với nền kinh tế tăng mạnh trong những năm qua. Hoạt động cho vay tiêu dùng của các TCTD về cơ bản đã đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, làm tăng khả năng tiếp cận tài chính, góp phần kích thích tiêu dùng từ đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Theo quy luật, khi kinh tế phát triển, tiêu dùng tăng thì hoạt động đi vay để phục vụ tiêu dùng của người dân cũng tăng phù hợp với xu thế chuyển dịch từ mô hình tăng trưởng dựa vào chi tiêu chính phủ và đầu tư sang dựa vào tiêu dùng tư nhân. Ở Việt Nam, hoạt động cho vay tiêu dùng có rất nhiều tiềm năng do kinh tế tăng trưởng tốt, dân số trẻ. Hệ thống ngân hàng ngày càng phát triển, đa dạng hóa hoạt động theo hướng hiện đại phù hợp với thông lệ quốc tế, theo đó, cho vay tiêu dùng trở thành một hoạt động cơ bản, trọng yếu để đáp ứng nhu cầu của người dân, đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, do phát triển chưa lâu, hoạt động cho vay tiêu dùng tại Việt Nam thời gian qua bộc lộ một số vấn đề cần phải được điều chỉnh, khắc phục nhất là vấn đề lãi suất cho vay cao của một số CTTC.
1. Thực trạng lãi suất cho vay tiêu dùng của các CTTC
Cho vay tiêu dùng là hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cá nhân hàng ngày hoặc mua sắm hàng hóa, vật dụng gia đình. Họat động này có rủi ro tín dụng cao hơn các loại hình cho vay khác vì đối tượng khách hàng chủ yếu là người thu nhập trung bình trở xuống, độ tín nhiệm thấp, khó tiếp cận được vốn ngân hàng, hầu hết lại vay tín chấp (nếu có tài sản bảo đảm thì giá trị thấp, mất giá nhanh). Tuy nhiên, chi phí hoạt động cho vay tiêu dùng lại khá cao do các khoản vay thường có thời hạn rất ngắn (từ vài ngày đến 1 tháng), giá trị nhỏ (nhiều khoản vay chỉ vài triệu đồng), nhưng yêu cầu chung là phải làm thủ tục xét duyệt đơn giản, nhanh chóng, nhân viên tín dụng thường phải đến làm việc tận nơi với khách hàng với từng khoản vay nhỏ lẻ, vô hình chung làm tăng chi phí quản lý. Với đặc thù như trên, lãi suất cho vay tiêu dùng của các TCTD cao hơn các loại hình cho vay khác. Đối với CTTC, lãi suất cho vay tiêu dùng còn cao hơn các ngân hàng thương mại (NHTM) vì có chi phí vốn cao hơn: Theo quy định tại Luật Các TCTD, CTTC không được huy động từ thị trường bán lẻ là dân cư mà chỉ được huy động từ thị trường bán buôn có lãi suất cao là các tổ chức kinh tế, nhưng trên thực tế kênh huy động này cũng rất hạn chế, do đó, các CTTC phải sử dụng vốn tự có, vay vốn nước ngoài hoặc vay liên ngân hàng và từ tổ chức tài chính khác để kinh doanh. Vì vậy, hiện nay hầu hết các NHTM cho vay tiêu dùng với lãi suất cao hơn lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh nhưng cũng chỉ khoảng 10 – 13%/năm, trong khi đó, lãi suất cho vay tiêu dùng của các CTTC (cả CTTC trong nước và nước ngoài) phổ biến khoảng 20% – 30%/năm, thậm chí cao hơn. Về vấn đề này, thời gian qua, các địa phương, một số cơ quan xét xử và báo chí cũng đã phản ánh tình trạng người dân phải vay tiêu dùng với lãi suất quá cao gây khó khăn cho khách hàng trong việc trả nợ, trong khi một số CTTC tiêu dùng có lợi nhuận cao do cho vay lãi suất cao… gây nên tình trạng khiếu kiện, dư luận xã hội không tốt.
2. Quản lý lãi suất cho vay tiêu dùng của các CTTC
Đánh giá một cách khách quan, dịch vụ tín dụng tiêu dùng của các CTTC đã góp phần nâng cao khả năng tiếp cận tài chính của người dân, đáp ứng nhu cầu chính đáng của những người không đủ điều kiện tiếp cận vốn vay ngân hàng mà nếu không có loại hình tín dụng này sẽ phải tìm đến tín dụng đen. So với lãi suất cho vay cầm đồ trên 110%/năm, thì lãi suất cho vay tiêu dùng của các CTTC thấp hơn khá nhiều. Mặc dù vậy, mức lãi suất phổ biến của các CTTC đang áp dụng hiện nay vẫn là quá cao so với thu nhập và khả năng trả nợ của người vay. Nhiều CTTC tính toán, niêm yết lãi suất chưa minh bạch, giải thích điều khoản hợp đồng chưa rõ ràng dẫn đến khách hàng không hiểu đúng nghĩa vụ trả lãi, gây kiện cáo hoặc không trả được nợ. Bên cạnh đó, trong khi các NHTM đã và đang hướng ứng tốt lời hiệu triệu của Thống đốc về việc giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ sản xuất kinh doanh thì các CTTC vẫn tiếp tục áp dụng mức lãi suất cho vay tiêu dùng ở mức khá cao, điều này tạo dư luận không tốt đối với hoạt động ngân hàng. Trong thời gian qua, NHNN đã chỉ đạo, chấn chỉnh các CTTC tiêu dùng thực hiện việc tính toán lãi suất, công khai các mức lãi suất theo đúng quy định, tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất cho vay phù hợp với chủ trương điều hành lãi suất của NHNN, xây dựng phương án, kế hoạch giảm lãi suất cho vay tiêu dùng. Tuy nhiên, đến nay lộ trình giảm lãi suất của một số CTTC vẫn chưa phù hợp. Điều này đòi hỏi cần phải có cơ chế quản lý chặt chẽ hơn nữa đối với lãi suất cho vay tiêu dùng của các CTTC đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành, đặc thù hoạt động của CTTC tín dụng tiêu dùng và thông lệ quốc tế, góp phần vào sự phát triển lành mạnh của hoạt động cho vay tiêu dùng trong tương lai.
Qua nghiên cứu kinh nghiệm của các nước, về cơ bản, hoạt động cho vay tiêu dùng chịu sự quản lý của chính quyền, các cơ quan chuyên trách về giám sát tài chính, thương mại hoặc bảo vệ người tiêu dùng; Ngân hàng Trung ương (NHTW) không tham gia quản lý lĩnh vực này. Qua khảo sát có thể thấy, lãi suất cho vay tiêu dùng ở các nước đều cao hơn nhiều so với lãi suất cho vay thông thường của các ngân hàng. Tại các nước này, cũng có tình trạng lãi suất cho vay tiêu dùng tăng quá cao, gây bức xúc trong xã hội, do đó, việc tăng cường quản lý lĩnh vực này trở thành chủ đề tranh luận. Tuy nhiên, để đảm bảo sự phát triển lành mạnh, bền vững của thị trường trong dài hạn, cơ quan quản lý hạn chế tối đa việc can thiệp hành chính vào lãi suất, theo đó lãi suất cho vay tiêu dùng về cơ bản là theo cơ chế thỏa thuận, nếu có kiểm soát thì chỉ quy định chọn lọc đối với các phân khúc ít có ảnh hưởng. Giải pháp chính thường là tăng cường các quy định về minh bạch hóa thông tin, nâng cao trách nhiệm của cả CTTC và người đi vay, nâng cao điều kiện đăng ký kinh doanh, Ví dụ, tại Anh, lãi suất cho vay tiêu dùng cũng ở mức cao, dư luận xã hội kêu gọi áp dụng trần lãi suất. Tuy nhiên, sau khi rà soát, nước này quyết định chỉ kiểm soát lãi suất đối với phân khúc cho vay thế chấp lương (payday lending, giống vay cầm cố ở Việt Nam) nhưng với mức trần rất cao là 292%/năm. Tại Úc, không có quy định mức trần lãi suất cho vay tiêu dùng đối với các ngân hàng, quỹ tín dụng mà chỉ có quy định trần lãi suất cho vay tiêu dùng của các tổ chức khác. Theo đó, các khoản vay dưới 2.000 AUD, thời hạn dưới
15 ngày bị cấm; đối với các khoản vay lớn, thời hạn dài hơn thì áp dụng trần lãi suất lần lượt tương đối thấp là 48%/năm nhưng bù lại các TCTD được phép thu phí: các khoản vay từ 2.001-5.000 AUD, thời hạn từ 16 ngày đến 2 năm mức phí không quá 400 AUD; các khoản vay trên 5000 AUD và thời hạn vay trên 2 năm mức phí theo thỏa thuận. Có thể thấy, mặc dù có kiểm soát lãi suất nhưng diện áp dụng hẹp và về cơ bản cơ chế vẫn rất linh hoạt đối với phân khúc lớn là cho vay trung dài hạn, giá trị cao. Ở Mỹ không có quy định cấp liên bang về lãi suất cho vay tiêu dùng, chính quyền các bang tự ban hành quy định nếu thấy cần thiết. Các bang thường chỉ quản lý chặt (bao gồm cả áp trần lãi suất cho vay) đối với các lĩnh vực rủi ro nhất như cho vay thế chấp lương (giống trường hợp ở Anh), cho vay thế chấp giấy tờ xe, cho vay tiêu dùng trả góp (chủ yếu là các CTTC). Theo thống kê chỉ 1/5 số bang quy định trần với cả 3 loại hình cho vay.
3. Đề xuất về quản lý lãi suất cho vay tiêu dùng của các CTTC
Qua kinh nghiệm các nước cũng như thực tiễn của Việt Nam có thể thấy, để thị trường tín dụng tiêu dùng phát triển lành mạnh, đảm bảo lợi ích cho cả CTTC và khách hàng thì việc quản lý cho vay tiêu dùng phải hướng đến đảm bảo tính chủ động của TCTD trong áp dụng lãi suất cho vay để tăng tính cạnh tranh, nâng cao khả năng quản lý rủi ro và phân bổ vốn hiệu quả. Việc sử dụng các quy định hành chính can thiệp trực tiếp về lâu dài sẽ gây méo mó quan hệ tín dụng. Ví dụ, áp dụng trần lãi suất cho vay tiêu dùng sẽ dẫn đến lãi suất cho vay bị cào bằng, lách trần lãi suất. Về mặt pháp lý, chưa có căn cứ rõ ràng về việc quy định trần trong hoạt động cho vay và không thống nhất với cơ chế cho vay thỏa thuận đang áp dụng với hoạt động cho vay của hệ thống ngân hàng (theo quy định tại Điều 91 Luật Các TCTD và các quy định có liên quan). Quy định chung một mức trần lãi suất là chưa khả thi vì khó xác định được mức trần lãi suất phù hợp với cho vay tiêu dùng của CTTC và NHTM do điều kiện của 2 loại hình TCTD này khác nhau, nhưng nếu quy định trần lãi suất cho vay tiêu dùng riêng cho từng loại hình TCTD thì lại dẫn đến phân biệt về quản lý TCTD.
Từ thực tế hiện nay cho thấy, cần hướng tới cơ chế quản lý gián tiếp đối với hoạt động cho vay tiêu dùng nói chung và lãi suất cho vay tiêu dùng nói riêng theo hướng kiểm soát chặt chẽ 3 vấn đề nổi lên trong thời gian qua là chi phí hoạt động, rủi ro cho vay và bảo vệ quyền lợi khách hàng. Theo đó, trên cơ sở nghiên cứu các đặc thù của tín dụng tiêu dùng, cần cân nhắc một số biện pháp như sau: (i) Củng cố hoặc ban hành thêm các quy định chi tiết về tiêu chuẩn hoạt động của các CTTC trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng như: nâng cao điều kiện cấp phép đối với hoạt động cho vay tiêu dùng; quy định về các hệ số đảm bảo an toàn, tiêu chuẩn quản trị (chi phí quản lý, thù lao nhà quản lý…); (ii) Nâng cao yêu cầu về quản lý rủi ro tín dụng: bảo đảm tiền vay, quy trình cho vay, tiêu chuẩn cho vay (giới hạn rủi ro của khoản vay, khách hàng vay tránh tình trạng cho vay với mọi giá dẫn đến lãi suất quá cao), phân loại, chấm điểm khách hàng (tránh tình trạng khách hàng tốt phải chịu lãi suất cao gánh rủi ro của khách hàng tín nhiệm thấp); (iii) Quy định pháp lý mạnh hơn đối với việc tính toán, áp dụng lãi suất của các CTTC; nâng cao tính giải trình của CTTC: thông tin phải rõ ràng, dễ hiểu, phải có phân tích về rủi ro cho khách hàng biết (ở các nước, lãi suất niêm yết phải tuân thủ quy chuẩn lãi suất phần trăm theo năm – APR, tránh tình trạng lãi suất niêm yết không phản ánh đúng bản chất).
Hiện nay, Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng đang dự thảo Thông tư quy định về hoạt động tín dụng tiêu dùng của CTTC, thông tư này được ban hành sẽ là hành lang pháp lý tốt để quản lý hoạt động cho vay tiêu dùng tốt hơn nữa. Bên cạnh đó, với việc Bộ luật Dân sự đang được rà soát, sửa đổi thì nội dung quy định về lãi suất cho vay tối đa của các giao dịch dân sự cũng cần được sửa đổi để khắc phục các bất cập trong thời gian qua, đảm bảo bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người vay khi tham gia các thỏa thuận dân sự, hợp đồng kinh tế nhưng phải phù hợp với thực tiễn áp dụng lãi suất đối với các giao dịch kinh tế. Về cơ bản, cần có sự nghiên cứu và phân tích kỹ các đặc thù hoạt động cho vay tiêu dùng của các CTTC tiêu dùng để quy định quản lý phù hợp; cần có sự thanh tra giám sát thường xuyên việc chấp hành quy định của các CTTC tiêu dùng.
SOURCE: TẠP CHÍ NGÂN HÀNG SỐ 12/2015 – CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM