Cảnh sát hình sự bày cách ứng phó khi trộm đột nhập
Phòng hơn chống
Tội phạm thường hoạt động theo ổ nhóm, có từ 2 tên trở lên. Giữa chúng có sự phân chia vai trò như tìm hiểu địa bàn, cảnh giới, đột nhập vào trong lấy tài sản và tiêu thụ của gian. Trước khi gây án, các đối tượng thường đến hiện trường để khảo sát, nắm tình hình.
Đối với trường hợp đột nhập vào ban đêm, các đối tượng thường tập trung từ 0-5h sáng. Chúng thường trèo tường, vượt rào, chui qua cửa sổ, cửa thông tầng, cửa lỗ thoáng, ô thông gió, trèo lên ban công, đột nhập từ cửa tum xuống (vì những cửa nội bộ này thường không kiên cố như cửa chính). Nhiều đối tượng lợi dụng cột điện, cây xanh gần nhà để leo lên và xâm nhập vào từ tầng thượng (như vụ Lê Văn Luyện).
Hầu hết các đối tượng đều mang theo dao nhọn, dao bấm để cạy phá tủ và làm hung khí để phòng thân hoặc tấn công, khống chế chủ nhà khi bị phát hiện. Tâm lý của bọn tội phạm đột nhập rất sợ bị phát hiện, bắt giữ. Vì vậy, chúng trở nên rất manh động, sẵn sàng tấn công chủ nhà nếu kháng cự hoặc làm chúng cảm thấy nguy hiểm. Đây là tình huống chuyển hóa tội phạm từ tội trộm cắp sang tội giết cướp.
Từ những đặc điểm nói trên, phương châm ứng xử trong tình huống bị đột nhập, ưu tiên số 1 là phải bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe của bản thân và gia đình. Không vì tâm lý luyến tiếc tài sản mà ứng xử manh động, dễ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Nên nhớ “phòng hơn chống”. Việc chủ động phòng ngừa sẽ vô hiệu hóa hoặc giảm thiểu thiệt hại trong các vụ trộm đột nhập.
Trước hết, các hộ gia đình cần gia cố cửa nhà, kể cả cửa ban công, sân phơi cũng phải chắc chắn và đóng khoá cẩn thận, sử dụng các loại khóa có chức năng chống trộm, khóa trong để chống cắt phá khóa. Tuy nhiên, đừng biến ngôi nhà mình thành một chuồng sắt kiên cố và tự chặn đường thoát của chính mình trong những rủi ro cháy nổ. Tất cả chìa khoá cửa và cổng nên tập trung một chỗ, đánh dấu bằng nhiều màu sơn nổi bật trên từng cặp ổ - chìa cụ thể, phòng trường hợp khẩn cấp, thao tác mở sẽ nhanh hơn.
Khi đi ngủ cần kiểm tra kỹ các cửa ra vào, cửa sổ, các cửa trên tầng, cửa ra ban công, sân thượng. Khi vắng nhà qua đêm, vắng nhiều ngày phải nhờ người trông coi. Nên làm tường, rào ngăn chặn việc leo chuyền từ cây xanh, trụ điện gần để đột nhập vào nhà. Không nên để nhiều tiền mặt, tài sản quý ở trong nhà, nên chia nhỏ tiền và cất ở nhiều nơi. Nếu có, hãy để chúng ở những nơi ít ai ngờ tới nhất. Không nên khoe thu nhập cao với mọi người, bởi sự giàu có rất dễ cám dỗ những kẻ xấu. Hạn chế việc chia sẻ trên facebook và các mạng xã hội những chuyến du lịch dài ngày của cả gia đình.
Thường xuyên chia sẻ với các thành viên trong nhà những kỹ năng đối phó với các tình huống trộm đột nhập. Dạy cho trẻ khi bị đột nhập phải biết gọi điện báo hàng xóm, công an và người thân, dạy chúng cách mở khoá cửa để thoát hiểm. Phải lưu số điện thoại của người hàng xóm và công an địa phương.
Trong nhà nên chuẩn bị sẵn những đoạn gậy (tre, sắt, gỗ, bình xịt hơi cay…), để rải trong góc cửa, dưới gầm giường, khe tủ… bởi vì khi đối phương cầm dao, thì với một đoạn gậy dài trên tay, bạn sẽ có nhiều lợi thế hơn. Các thành viên trong gia đình đều phải biết những vị trí để vũ khí tự vệ. Ở vùng nông thôn việc treo tấm bảng “Coi chừng chó dữ”, “Nhận dạy võ”… cũng có tác dụng răn đe rất hiệu quả.
Ứng phó khi trộm đột nhập
Điều tối quan trọng là trong bất cứ trường hợp nào cũng cần phải giữ được bình tĩnh. Tình huống trộm chưa vào nhà thì lập tức bật các đèn lên, gọi người nhà dậy, giả như gọi điện báo công an… để đánh động, xua đuổi bọn trộm bỏ đi vì thâm tâm chúng cũng không muốn đối mặt với chủ nhà.
Nếu nghi ngờ trộm đã đột nhập vào sân vườn, tuyệt đối không được mở cửa đi ra xem xét. Hãy quan sát qua cửa sổ, ban công hoặc áp tai vào cửa để nghe ngóng. Khi đó, gậy và bình xịt cay phải cầm sẵn trên tay. Cũng có thể gọi điện nhờ hàng xóm quan sát, theo dõi giúp mình từ bên ngoài.
Khi đi làm về, cần bật đèn trước cửa để đề phòng kẻ gian đột nhập gia cư của bạn. Nên nhớ rằng tội phạm thường trốn trong bóng tối. Nếu thấy trong nhà có người lạ, hoặc tiếng động lạ, quan sát thấy cửa bị cậy, nhất thiết không được vào nhà, mà phải lập tức gọi điện báo cho công an, gọi hàng xóm hoặc người xung quanh cùng đến xem xét sự việc.
Nếu đã vào bên trong nhà mới phát hiện có trộm, phải rất bình tĩnh, có thể giả vờ là người đến chơi, không được lộ ra mình là chủ nhà khiến bọn trộm hoảng sợ mà tấn công chống trả hoặc bắt giữ làm con tin. Nên tìm cách để kẻ trộm đi ra và nhớ quan sát, ghi nhớ đặc điểm của chúng để báo công an. Trong đêm, nếu nghe bên ngoài nhà có tiếng động lạ, trước tiên không được mạo hiểm mở cửa, tốt nhất nhìn qua khe cửa xem đã xảy ra chuyện gì, nếu có gì bất thường nên bật điện, gọi điện thoại để báo công an.
Nếu phát hiện trộm đã đột nhập vào nhà, phải tuỳ cơ ứng biến trên cơ sở cân nhắc về tương quan lực lượng giữa bản thân mình và đối tượng. Tuyệt đối không nên manh động xông vào tấn công đối tượng để bắt giữ khi chưa biết chúng có bao nhiêu tên, có những hung khí gì và đã chiếm giữ vị trí nào trong nhà. Khi đó cần khóa chặt cửa phòng ngủ, đánh thức người bên cạnh dậy và thông báo thật khẽ tình hình cho họ biết về mối nguy hiểm đang rình rập bên ngoài. Trước khi đánh thức, nên dùng tay bịt miệng họ nếu đó là người hay giật mình.
Trường hợp trong nhà có trẻ em, người già cả không có khả năng tự vệ, rất dễ mất bình tĩnh, la hét dẫn đến hậu quả thảm khốc, khi đó cần phải tìm cách đưa họ thoát ra khỏi nguồn nguy hiểm. Bạn cần nhẹ nhàng ra khỏi phòng ngủ không để đối tượng phát hiện, cầm sẵn vũ khí trên tay. Nên dồn họ vào nhà vệ sinh, trong phòng nào đó hoặc sân thượng… có cửa an toàn và yêu cầu chốt chặt cửa, ở yên trong đó.
Tình huống không có nơi an toàn thì giấu trẻ xuống gầm giường. Với trẻ nhỏ, có thể dùng xé băng keo đã chuẩn bị sẵn để dán kín miệng chúng không cho la hét. Việc này không gây nguy hiểm vì chúng vẫn thở được bằng mũi. Cần nhớ tên Lê Văn Luyện đã giết cháu bé sơ sinh chính vì tiếng khóc của bé.
Khi bước ra ngoài, hãy xác định trong bóng tối vị trí và số lượng kẻ đột nhập. Nhà của mình, mình thuộc, chắc chắn sẽ có lợi thế hơn chúng. Nếu có từ hai kẻ đột nhập trở lên, hãy giữ im lặng và lánh vào một chỗ nào đó an toàn. Nếu là một, vẫn phải im lặng quan sát. Khi thấy đối tượng manh động, cầm sẵn dao và mình đủ tự tin vào chính mình và người bên cạnh, thì có thể tấn công phủ đầu bằng những đòn đập mạnh, tốt nhất là vào tay hoặc ống chân. Lưu ý, phải đảm bảo rằng trong trường hợp này, trẻ con vẫn được an toàn trong phòng riêng đã chốt cửa. Nếu xét thấy khả năng đánh thắng không chắc chắn thì nên chủ động mở toang các cửa, rồi bật đèn, hô hoán để cho trộm chạy ra ngoài.
Nếu trong nhà chỉ có một mình thì phải đóng chặt cửa phòng ngủ, giả vờ gọi to người bên cạnh, bấm chuông báo động (nếu có) hoặc gọi điện thoại báo cho cơ quan công an. Đối tượng thấy nguy hiểm sẽ tự rút lui theo lối chúng vào nhà. Ban đêm khi tỉnh giấc, nếu phát hiện có trộm tốt nhất nên nghe ngóng, quan sát để quyết định phương án ứng xử tối ưu nhất.
Trường hợp bị khống chế, phải tuyệt đối phục tùng, làm theo tất cả những yêu cầu của chúng, không để chúng có cảm giác bất an hay kích động chúng. Hãy ngoan ngoãn chỉ nơi để ví, túi xách, đọc mã số hoặc tự mở két sắt cho chúng, phải cho chúng có một số ít tiền hoặc gì đó để ra đi.
Không nên nhìn thẳng và đừng bao giờ ra vẻ cố gắng ghi nhớ mặt chúng. Nếu có nhận ra người quen cũng tuyệt đối vờ như không biết. Khi chúng tra khảo: “Nhà giàu mà sao có ít tiền vậy?", đừng nói mình không có tiền, chúng sẽ cảm thấy tự ái vì bị lừa. Hãy đưa ra một lý do chân thành rằng vừa gom tiền mua hay làm gì đó, chỉ còn lại bấy nhiêu đây.
Trường hợp bị tấn công, hãy kêu to lên để người trong nhà gọi công an hoặc trợ giúp của hàng xóm. Nếu đang một mình, vẫn phải làm điều này. Hãy tìm lối gần nhất và thoát ra. Việc hô hoán với hàng xóm không được khuyến khích bởi việc này chỉ làm chúng manh động thêm. Bình xịt hơi cay sẽ phát huy tác dụng trong lúc này.
Trong bóng tối, kẻ đột nhập thường không biết mức độ chấn thương của nạn nhân, nên cách cuối cùng trong tình huống này là nằm im giả chết, mặc cho chúng lục lọi, cho đến khi rút đi. Tóm lại, đừng kháng cự nếu tự thấy mình yếu thế hơn chúng. Đa số trộm thường chỉ muốn tài sản, chứ không phải mạng người, nhưng khi thấy sự an toàn của mình bị đe doạ, chúng sẽ manh động rút dao. Luôn nhớ rằng, còn người còn của. Đừng tự đặt mình vào gần hơn với nguy hiểm vì tiếc của.
Khi thấy kẻ trộm vừa ra khỏi nhà, nên quan sát, ghi nhớ đặc điểm, hướng chạy của chúng sau đó báo cho công an những thông tin về tên trộm như: độ tuổi, màu da, vẻ mặt, tóc, đặc điểm nhân dạng, ăn mặc… càng chi tiết càng tốt.
12
CÔNG TY LUẬT KHANG THÁI
Văn phòng Giao dịch:
- P906, Toà CT4-1, KĐT Mễ Trì Hạ, đường Phạm Hùng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội
- Số Giấy phép hoạt động: 0 1 0 2 1 2 6 0 /TP-ĐKHĐ
- Do sở Tư pháp thành phố Hà Nội cấp ngày 16/01/2017.
- Mã số thuế: 0 1 0 7 7 1 9 2 2 0
- Hotline: 0 9 4 6 9 7 1 7 7 7
- Email: luatsuphonghn@gmail.com
- Website: http://luatkhangthai.vn
Bản quyền thuộc sở hữu Công ty luật Khang Thái. Mọi cá nhân, tổ chức copy dữ liệu từ website đều phải ghi rõ nguồn. Công ty không thu thập thông tin và sử dụng thông tin của khách hàng thông qua website này. Website chỉ giới thiệu dịch vụ và thông tin của doanh nghiệp.