Góc pháp lý

Bàn về việc xác định thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế qua việc giải quyết một vụ "Tranh chấp về thừa kế tài sản"


NGUYỄN NHƯ BÍCH – Nguyên Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao
Tại mục II Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã hướng dẫn tương đối cụ thể về áp dụng quy định của pháp luật về thừa kế trong việc xác định thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế. Tuy nhiên, trong thực tiễn vẫn có những trường hợp tranh chấp về quyền thừa kế có những tình tiết đặc biệt chưa được hướng dẫn cụ thể nên việc xác định thời hiệu khởi kiện thiếu chính xác, gây thiệt hại quyền lợi hợp pháp của đương sự.
Dưới đây là một trường hợp cụ thể:
Tháng 6/2013 ông L có đơn khởi kiện gửi TAND huyện NT, tỉnh N đề nghị chia di sản của thừa kế của vợ chồng cụ C và cụ T ở xóm 5, xã Đ, huyện NT, tỉnh N (khối di sản này đang do ông Qn quản lý).
TAND huyện NT đã thụ lý đơn khởi kiện của ông L, xác định quan hệ pháp luật cần giải quyết là “tranh chấp về thừa kế tài sản”, tiến hành các thủ tục chuẩn bị xét xử theo quy định của BLTTDS và đưa vụ tranh chấp ra xét xử sơ thẩm vào cuối tháng 3/2015.
Theo Bản án sơ thẩm số 01 của TAND huyện NT (Bản án ST số 01) thì căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ đã thu thập được, Hội đồng xét xử sơ thẩm (HĐXX sơ thẩm) đã xác định về nội dung tranh chấp và đã nhận định về thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế trong vụ tranh chấp này như sau:
… “Cụ T mất năm 1995, cụ C mất năm 1999, khi qua đời cả hai cụ đều không để lại di chúc vì vậy khi phát sinh việc chia thừa kế sẽ được giải quyết theo pháp luật. Những người thừa kế theo pháp luật của vợ chồng cụ C thuộc hàng thừa kế thứ nhất gồm bà Đ, ông Qn, ông Qt, bà Tho, ông L và bà Tha…”.
…“Khối di sản của vợ chồng cụ C và cụ T được xác định gồm: 01 nhà cấp bốn trị giá 25.070.000 đồng. Tuy nhiên cần phải tính đến công duy tu, sửa chữa nhà của ông Qn 3.500.000 đồng, ông Qt 6.000.000 đồng, ông L 6.000.000 đồng, giá trị còn lại 9.570.000 đồng (mỗi kỷ phần được hưởng 1.595.000 đồng); 210 m2 đất ở trị giá quyền sử dụng (210 m2 x 400.000 đồng) = 84.000.000 đồng; đất vườn 390 m2 x 75.000 đồng = 29.250.000 đồng; đất ao: 90 m2 x 75.000 đồng = 6.750.000 đồng. Tổng giá trị quyền sử dụng đất ở, đất vườn, đất ao là: 120.000.000 đồng (mỗi ký phần được hưởng 20.000.000 đồng). Về đất canh tác 2 lúa: số thửa 5125/13 diện tích 344 m2, số thửa 5055/17 diện tích 142 m2, số thửa 5136/8 diện tích 956 m2; tổng 1442 m2, đây là số ruộng tiêu chuẩn của 03 nhân khẩu hộ cụ C được chia năm 1993, trong đó có tiêu chuẩn ruộng của ông L là 480 m2, còn lại của cụ C và cụ T là 962 m2 x 50.000 đồng/m2 = 48.100.000 đồng, mỗi kỷ phần được hưởng về quyền sử dụng 160,33 m2”.
…“Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết và thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm. Thời điểm hết thời hiệu chia thừa kế đối với cụ T vào năm 2005, cụ C vào năm 2009. Tuy nhiên vào năm 1997 ông L phải đi chấp hành hình phạt tù tại trại giam KS, đến tháng 5/2009 mới trở về địa phương. Đây là trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho ông L không thể thực hiện quyền khởi kiện yêu cầu chia thừa kế của mình. Do vậy khoảng thời gian ông L đi chấp hành án từ năm 1997 đến năm 2009 không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự. Nay ông L khởi kiện yêu cầu chia thừa kế đối với di sản của cụ C và cụ T là đúng với quy định của pháp luật”.
…“Các đồng thừa kế là ông Qn, bà Tho, bà Đ, bà Tha đều nhường kỷ phần của mình được hưởng đối với toàn bộ đất ở đất vườn, ao cho ông Qn và ông L…”
Cũng theo Bản án ST số 01, căn cứ vào những nhận định nêu trên, HĐXX sơ thẩm đã quyết định:
“1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông L;
“1.1 chia cho ông L được thừa kế quyền sử dụng 490 m2 đất thuộc mảnh đất có số thửa 5128…
“1.2 Chia cho ông L được sử dụng đất ruộng hai lúa tiêu chuẩn của mình thuộc hộ cụ C và thừa kế quyền sử dụng đất ruộng hai lúa tại các thửa với diện tích và vị trí như sau:
“- Số thửa 5125/13 tờ bản đồ số 12 diện tích 183 m2…
“- Số thửa 5136/8 tờ bản đồ số 12 diện tích 956 m2…
“- Số thửa 5055/17 tờ bản đồ số 12 diện tích 142 m2…
“1.3 Chia cho ông Đỗ Duy Lệ được sở hữu nhà cấp 4…
“1.4 Ông L phải thanh toán cho ông Qt giá trị quyền sử dụng đất ở, đất vườn, công vượt lấp đất ao, công vượt lấp đất hai lúa tại thửa 5125/13, tiền di dời cây cối tại đất có số thửa 5125/13, tiền duy tu, sửa chữa nhà, kỷ phần về tài sản ông Qt được hưởng đối với nhà cấp 4. Tổng số tiền ông L phải thanh toán cho ông Qt là 42.534.000 đồng…”
“2. Chia cho ông Qn được sử dụng 200 m2 đất (gồm 110 m2 đất vườn, 90 m2 đất ao) tại mảnh đất có số thửa 5129 ở xóm 5, xã Đ…”
“3.1 Chia cho ông Qt được sử dụng 161 m2 đất hai lúa tại số thửa 5125/13…”
“3.2 Ông Qt được nhận tiền thanh toán từ ông L…, tổng số tiền là 42.534.000 đồng…”
Theo nhận định và quyết định của Bản án ST số 01 như trên, có thể thấy rõ là khi giải quyết vụ tranh chấp thừa kế này, HĐXX sơ thẩm đã có quan điểm áp dụng quy định của pháp luật để xác định thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế như sau:
– Khoảng thời gian mà một người trong số các đồng thừa kế đi chấp hành hình phạt tù tại Trại giam thuộc Bộ Công an không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, vì đây là trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người thừa kế đó không thể thực hiện quyền khởi kiện yêu cầu chia thừa kế của mình.
– Mặc dù đã hết thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, nhưng do một người trong số các đồng thừa kế gặp trở ngại khách quan không thể thực hiện quyền khởi kiện yêu cầu chia thừa kế của mình trong khi còn thời hiệu khởi kiện, nên tất cả các đồng thừa kế khác, dù không gặp trở ngại khách quan, cũng đều không bị mất quyền khởi kiện về quyền thừa kế.
Theo chúng tôi, khi giải quyết vụ tranh chấp này HĐXX sơ thẩm đã áp dụng không đúng các quy định của pháp luật về thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế; bởi các lý do sau đây:
Một là:
– Tại Điều 29 Pháp lệnh Thi hành án phạt tù năm 1993 quy định: “Người đang chấp hành hình phạt tù được hưởng các quyền công dân trừ những quyền bị pháp luật hoặc Toà án tước”.
Trong khi đó, ngoài việc bị Tòa án xử phạt tù, không có chứng cứ nào thể hiện ông L bị Tòa án tước các quyền công dân khác; và như vậy thì trong khoảng thời gian ông L bị thi hành án phạt tù (từ năm 1997 đến 5/2009), ông L vẫn có quyền thực hiện quyền khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
– Tại Điều 23 Pháp lệnh Thi hành án phạt tù năm 1993 quy định: “Trong thời gian chấp hành hình phạt tù, người kết án tù được học pháp luật, giáo dục công dân, học văn hoá, học nghề, được thông tin về chính sách, thời sự phù hợp với điều kiện của trại giam”…
Như vậy, trong khoảng thời gian ông L bị thi hành án phạt tù (từ năm 1997 đến 5/2009), ông L vẫn được học tập để cập nhật các thông tin về pháp luật, về chính sách và tình hình thời sự; chứ ông L không hề bị cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài.
Hơn nữa, ngay từ năm 1990, trước khi ông L bị đưa đi thi hành án phạt tù vào năm 1997, Nhà nước đã ban hành Pháp lệnh Thừa kế, và tại khoản 1 Điều 36 Pháp lệnh Thừa kế có quy định thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế là: “Trong thời hạn 10 năm, kể  từ thời điểm mở thừa kế, người thừa kế có quyền khởi kiện để  yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác”. Do đó, ông L không thể cho là mình không thể biết về các quy định này.
– Tại Điều 25 Pháp lệnh Thi hành án phạt tù năm 1993 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung Pháp lệnh Thi hành án phạt tù năm 2007) quy định: “Trong thời gian chấp hành hình phạt tù, người bị kết án được gửi, nhận thư, bưu kiện, bưu phẩm, gặp thân nhân, liên lạc bằng điện thoại với thân nhân và nhận quà theo quy định của Chính phủ.”
Như vậy, trong khoảng thời gian ông L bị thi hành án phạt tù (từ năm 1997 đến 5/2009), ông L vẫn có điều kiện để thường xuyên liên lạc với gia đình, nên không thể không biết việc bố đẻ của mình là cụ C đã chết vào năm 1999 (còn việc cụ T chết năm 1995, trước khi ông L đi thi hành án phạt tù vào năm 1997, thì ông L cũng đương nhiên phải biết); đồng thời ông L hoàn toàn có đủ điều kiện để thông qua Ban giám thị trại giam, thông qua gia đình mình thực hiện quyền khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ C và cụ T ngay từ khi thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế vẫn còn.
(Các quy định tại các điều luật nêu trên của Pháp lệnh Thi hành án phạt tù năm 1993 còn được cụ thể hóa một cách chi tiết tại các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật, trong đó có Quy chế trại giam được ban hành kèm theo Nghị định số 113/2008/NĐ-CP ngày 28/10/2008 của Chính phủ, mà trong khuôn khổ bài viết này chúng tôi thấy không cần thiết phải trích dẫn thêm).
Căn cứ theo các định nêu trên của pháp luật về Thi hành án phạt tù thì trong khoảng thời gian ông L bị thi hành án phạt tù (từ năm 1997 đến 5/2009) ông L không thể gặp trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho ông L không thể thực hiện quyền khởi kiện yêu cầu chia thừa kế của mình như nhận định của HĐXX sơ thẩm; trong khi đó, ông L cũng không xuất trình được chứng cứ chứng minh là Ban giám thị trại giam KS đã có hành vi cản trở việc ông L khởi kiện yêu cầu chia thừa kế di sản của cụ C và cụ T khi đang còn thời hiệu khởi kiện.
Do đó, việc HĐXX sơ thẩm nhận định: “… vào năm 1997 ông L phải đi chấp hành hình phạt tù tại trại giam KS, đến tháng 5/2009 mới trở về địa phương. Đây là trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho ông L không thể thực hiện quyền khởi kiện yêu cầu chia thừa kế của mình…” là không đúng với chính sách, pháp luật về Thi hành án phạt tù của Nhà nước ta. Nhận định không đúng này của HĐXX sơ thẩm vô hình chung có thể dẫn đến nhận thức sai, cho rằng Chính sách thi hành án phạt tù của Nhà nước ta không đảm bảo để các phạm nhân thực hiện đầy đủ quyền công dân theo quy định của pháp luật.
Hai là:
– Điều 645 BLDS năm 2005 quy định: “Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là mười năm, kể từ thời điểm mở thừa kế”.
Như vậy, phải hiểu là thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế được quy định và áp dụng đối với cá nhân người thừa kế – là một trong các chủ thể mà Bộ luật dân sự năm 2005 quy định có quyền, nghĩa vụ khi tham gia quan hệ dân sự (các chủ thể đó chỉ bao gồm: Cá nhân, Pháp nhân, Hộ gia đình, Tổ hợp tác -  mà không bao gồm Các đồng thừa kế).
– Điều 161 BLDS năm 2005 quy định: “Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện sau đây: 1. Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu…”
Như vậy, phải hiểu là chỉ chủ thể nào có quyền khởi kiện mà gặp sự kiện bất khả kháng thì mới được áp dụng quy định của pháp luật về thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng không tính vào thời hiệu khởi kiện, chứ không thể áp dụng cả đối với các chủ thể khác không gặp sự kiện bất khả kháng.
Tóm lại, căn cứ vào các quy định nêu trên của BLDS năm 2005 thì ngay cả trong trường hợp cho rằng ông L gặp trở ngại khách quan nên không thể khởi kiện về quyền thừa kế trong thời hiệu khởi kiện (như nhận định không đúng của HĐXX sơ thẩm), thì đến năm 2013 chỉ có một mình ông L là người còn được quyền khởi kiện yêu cầu chia thừa kế di sản của cụ C và cụ T; còn các ông, bà Đ, Qn, Qt, Tho, Tha đều đã bị mất quyền khởi kiện về quyền thừa kế ngay từ năm 2005 (đối với di sản của cụ Th) và ngay từ năm 2009 (đối với di sản của cụ C). Việc HĐXX sơ thẩm quyết định chia thừa kế di sản của cụ C và cụ T cho cả các ông, bà Đ, Qn, Qt, Tho, Tha là không đúng pháp luật, đã vô hiệu hóa chế định về thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế của Pháp lệnh thừa kế năm 1990 và của BLDS  năm 2005 đối với các ông, bà này.
Trên đây là quan điểm của cá nhân tác giả, rất mong các bạn đồng nghiệp cùng trao đổi.
SOURCE: CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

 

Gửi yêu cầu