Doanh nghiệp - Thương mại

Hòa Phát chi 35% vốn đầu tư để bảo vệ môi trường trong dự án thép Dung Quất


“Chẳng riêng khai thác mỏ hay ngành thép mà với tất cả các ngành, vấn đề môi trường phải được ưu tiên số một. Chính phủ có thể thương doanh nghiệp (DN) nhưng người dân không thương đâu, vì nếu DN gây hại đến môi trường là gây hại trực tiếp đến đời sống của người dân”.

Đó là chia sẻ của ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát với báo chí mới đây.

Theo đó, ông Long cho biết, từ trường hợp của Fomosa, Hòa Phát cũng rút kinh nghiệm cho mình rất nhiều nên những đầu tư về bảo vệ môi trường trong dự án thép Dung Quất chiếm khoảng 25-35% tổng vốn đầu tư.

“Chi phí đầu tư để bảo vệ môi trường thì lớn lắm nhưng nếu xử lý tốt với công nghệ cao thì còn có thể tạo ra điện nữa”, ông Long nói.

Bên cạnh đó, chia sẻ với truyền thông, ông Long cho hay, sau Fomosa, Hà Tĩnh rất e ngại dự án Dung Quất, đó là cái khó khi phải thay đổi quan điểm của tỉnh Hà Tĩnh.

“Thực ra tôi cũng có trao đổi với Bí thư tỉnh Hà Tĩnh thì cá nhân tôi và Hòa Phát đều tôn trọng và ghi nhận lo lắng của tỉnh về môi trường, hạ tầng quá tải và hậu quả đầu tư, hậu quả xã hội. Nhưng với công nghệ bây giờ thì những lo lắng đó cũng cơ bản giải quyết được”, Chủ tịch Hòa Phát cho hay.

Thêm nữa, ông Long cho biết, quan điểm của Hòa Phát rất rõ ràng, Hòa Phát rất tôn trọng địa phương vì quyền của họ rất lớn nhưng nếu Thủ tướng Chính phủ cho làm thì Hòa Phát sẽ tham gia với tư cách cổ đông.

Tuy nhiên, khi đáp ứng được hết yêu cầu về môi trường, công nghệ,... thì lợi nhuận lại thấp nên ông Long nhận định rằng đây không phải sân chơi cho những người có tiền lực tài chính thấp.

“Cách đây nhiều năm, nhiều người cứ nghĩ có được cái giấy phép rồi khai thác là có lãi nhưng thời kỳ đó qua rồi. Bây giờ, nếu không có tiền thì không làm được đâu vì nếu nợ dân tiền đền bù, giải phóng mặt bằng,... thì khó lắm”, ông Long nói.

Lấy ví dụ về ngành thép của Trung Quốc, ông Long cho biết, mới đây, Chính phủ Trung Quốc đã làm những việc để bảo vệ môi trường mà không ai nghĩ họ làm được.

Cụ thể, Trung Quốc có đủ các loại Nhà nước như Nhà nước Trung ương, Nhà nước Tỉnh, Nhà nước Huyện, Nhà nước Xã,... nên có nạn cát cứ. Trước đây thì không ai giải quyết được nhưng bây giờ thì giải quyết được rồi, đặc biệt vấn đề về môi trường, ông Long nhận định.

Theo ông, “hiện nay, vấn đề ô nhiễm phía Bắc Trung Quốc rất khủng khiếp. Nếu đã trở thành cường quốc, thành một trong những nước dẫn đầu thì cũng phải gương mẫu về bảo vệ môi trường chứ không thể chày bửa như một nước kém phát triển được”.

Bên cạnh đó, ông Long cho biết, bản thân người Trung Quốc đã giàu và có mức sống cao hơn nên họ không thích sống trong môi trường ô nhiễm.

Do đó, lần đầu tiên trong lịch sử, Trung Quốc vừa giảm được 100 triệu tấn công suất sản xuất thép/năm, giảm 30% lượng thép xuất khẩu trong hai năm qua và hạn chế sản xuất thép kém chất lượng để bảo vệ môi trường.

Thêm nữa, Trung Quốc còn thành lập những đội như thời cách mạng văn hóa, lùng sục khắp nơi để tìm chỗ nào thép làm sai để phạt vì Chính phủ không tin Nhà nước Xã, Nhà nước Tỉnh.

Thậm chí, Trung Quốc còn làm được việc mà chưa nước nào làm được là thưởng cho những người cung cấp tin về những lò thép trái phép.
Ông Long cho rằng, đó chính là một trong những nguyên nhân chính khiến sản lượng thép thế giới giảm và giá thép tăng.

Ngoài ra, Chủ tịch Hòa Phát cho biết thêm, cuối năm 2018, Nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất sẽ cho ra mẻ sản phẩm đầu tiên và sản phẩm chủ chốt là thép cuộn cán nóng.

 

Nguồn: Dân trí

Gửi yêu cầu