Tố tụng hình sự

Người phạm tội bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra


Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra là trường hợp trước khi có hành vi phạm tội, người phạm tội không còn nhận thức đầy đủ về hành vi của mình như lúc bình thường, nhưng chưa mất hẳn khả năng nhận thức do hành vi trái pháp luật của người người bị hại hoặc khác gây ra.

 

Để xác định trường hợp người phạm tội bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặcngười khác gây ra phải căn cứ vào các yếu tố sau:

 

a. Trạng thái tinh thần của người phạm tội phải ở trạng thái bị kích động. 

 

Người bị kích động về tinh thần là người không còn nhận thức đầy đủ về hành vi của mình như lúc bình thường, nhưng chưa mất hẳn khả năng nhận thức. Lúc đó họ mất khả năng tự chủ và không thấy hết được tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình; trạng thái này chỉ xảy ra trong chốc lát, sau đó tinh thần của họ trở lại bình thường như trước; trạng thái tinh thần bị kích động ở những mức độ khác nhau. Nếu bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của người bị hại đối với người phạm tội hoặc đối với người thân thích của người phạm tội thì thuộc trường hợp phạm tội “giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” quy định tại Điều 96 Bộ luật hình sự hoặc “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” quy định tại Điều 105 Bộ luật hình sự. Nếu bị kích động chưa mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của người bị hại đối với người phạm tội hoặc đối với người thân thích của người phạm tội hoặc bị kích động mạnh nhưng do người khác (không phải là của người bị hại) thì được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự.

 

Việc xác định một người có bị kích động về tinh thần hay không là một vấn đề phức tạp. Bởi vì trạng thái tâm lý của mỗi người khác nhau, cùng một sự việc nhưng người này xử sự khác người kia; có người bị kích động về tinh thần, thậm chí "điên lên", nhưng cũng có người vẫn bình thường, thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra; cách xử sự của môi người cũng rất khác nhau. Ví dụ: anh A thấy vợ mình quan hệ bất chính với người khác, liền chạy về nhà lấy dao đến đâm chết tình nhân của vợ, nhưng anh B gặp trường hợp này lại gọi vợ về giáo dục, sau đó vợ chồng vẫn sống chung với nhau, còn anh C gặp trường hợp tương tự lại làm đơn xin ly hôn. Vì vậy, không thể có sẵn một chuẩn mực để "đo" tình trạng kích động  về tinh thần của con người, mà phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, xem xét một cách toàn diện các tình tiết của vụ án, nhân thân người phạm tội, quá trình diễn biến của sự việc, nghề nghiệp, trình độ văn hoá, hoạt động xã hội, điều kiện sống, tính tình, bệnh tật, hoàn cảnh gia đình, quan hệ giữa người phạm tội với người bị hại.v.v... từ đó xác định người phạm tội có bị kích động về tinh thần hay không, mức độ kích động ở mức nào?

 

b. Phải có hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác

- Hành vi trái pháp luật của người bị hại

Người bị hại là người bị thiệt hại về thể chất, về tinh thần hoặc về tài sản do tội phạm gây ra (khoản 1 Điều 51 Bộ luật tố tụng hình sự).

 

Việc xác định người bị hại trong vụ án hình sự nói chung không khó. Tuy nhiên, có một số trường hợp đối với một số tội phạm việc xác định người bị hại còn ý kiến khác nhau, nhất là đối với việc xác định người bị hại để tham gia tố tụng, vì quyền và nghĩa vụ của người bị hại theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự khác nhiều so với những người tham gia tố tụng khác.

 

 Là người bị hại, trước hết, họ phải là con người cụ thể chứ không phải là cơ quan, tổ chức; họ phải là người bị thiệt hại về thể chất, về tinh thần hoặc về tài sản; các thiệt hại về thể chất, về tinh thần hoặc về tài sản phải là thiệt hại do tội phạm gây ra. Nếu đó là những thiệt hại xảy ra nhưng không phải do tội phạm gây ra thì người bị thiệt hại cũng không phải là người bị hại trong vụ án hình sự.

 

Đây là tiêu chí rất quan trọng để phân biệt người bị hại với nguyên đơn dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

 

Có ý kiến cho rằng, tội phạm ở đây là hành vi của người phạm tội trong vụ án hình sự đã gây ra những thiệt hại thể chất, tinh thần hoặc tài sản và ai là người bị thiệt hại đều là người bị hại trong vụ án hình sự. Ví dụ: Trong vụ án gây rối trật tự công cộng có hành vi phá phách làm hư hỏng một số tài sản, nhưng hành vi này chưa đến mức cấu thành tội “cố ý làm hư hỏng tài sản” nhưng người bị hư hỏng tài sản vẫn là người bị hại, vì họ là người bị thiệt hại về tài sản do hành vi của người phạm tội gây ra.

 

Cách hiểu trên là không đúng, đã đồng nhất khái niệm tội phạm với hành vi vi phạm của người phạm tội là một, vì trong quá trình thực hiện tội phạm, người phạm tội không chỉ thực hiện một hoặc một số hành vi cấu thành một tội phạm mà trong số những hành vi đó, có hành vi cấu thành tội phạm (hành vi phạm tội), có hành vi chưa cấu thành tội phạm (hành vi vi phạm). Những hành vi cấu thành tội phạm và hành vi đó đã gây ra những thiệt hại về thể chất, về tinh thần hoặc về tài sản thì người bị thiệt hại mới là người bị hại trong vụ án hình sự.

 

Ngoài ra, trong một số trường hợp còn phải căn cứ vào đối tượng trực tiếp bị xâm phạm để xác định người bị hại trong vụ án hình sự. Ví dụ: người phạm tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người thì người bị xâm phạm trong các vụ án này là người bị hại; người phạm tội vi phạm các quy định về an toàn giao thông gây thiệt hại cho tính mạng, sức khoẻ, tài sản của người khác thì người bị gây thiệt hại cũng là người bị hại trong vụ án hình sự.

 

Nếu hành vi trái pháp luật của người bị hại và trạng thái tinh thần bị kích động của người phạm tội chưa đến mức thuộc trường hợp quy định tại Điều 96 Bộ luật hình sự (“giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” hoặc Điều 105 Bộ luật hình sự “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” thì là tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự.

 

Việc xác định một hành vi trái pháp luật của người bị hại đã tới mức nghiêm trọng hay chưa cũng phải đánh giá một cách toàn diện. Có hành vi chỉ xảy ra một lần đã là nghiêm trọng, nhưng cũng có hành vi nếu chỉ xảy ra một lần thì chưa nghiêm trọng, nhưng nó được lặp đi lặp lại nhiều lần thì lại thành nghiêm trọng. Ví dụ: A và B nhà ở cạnh nhau, chung một bức tường. B đục tường từ phía nhà mình sang nhà A trong lúc vợ của A đang bị ốm nặng cần sự yên tĩnh. A đã nhiều lần yêu cầu B chấm dứt hành động đó, nhưng B không nghe, A bực tức giằng búa của B đánh B một cái làm B ngã gục. Trên đường đưa đi cấp cứu thì B chết. Trong trường hợp này, hành vi giết người của A cũng được coi là bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của B và thuộc trường hợp quy định tại điều 96 Bộ luật hình sự.

 

- Hành vi trái pháp luật của người khác

 

Người khác mà nhà làm luật quy định ở đây là một người không phải là người bị hại, nhưng có liên quan đến người bị hại; họ thường là người thân thích hoặc có mối quan hệ gần gũi với người bị hại nên người phạm tội mới xâm phạm đến người bị hại, nếu một người không có liên quan gì đến người bị hại có hành vi trái pháp luật đối với người phạm tội thì hành vi của người phạm tội không thuộc trường hợp được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Ví dụ: Vũ Ngọc T là một thanh niên càn quấy ngồi uống cà phê trong quan cà phê “Ánh Hồng”. Trong lúc uống cà phê, T thấy một số thanh niên vào quán “nhìn đểu” mình. T bực tức gọi chủ quán ra yêu cầu không cho số thanh niên này vào quán, nhưng chị Hồng chủ quán không đồng ý, liền bị T đập vỡ ly cà phê ném vào mắt chị Hồng làm chị Hồng bị thương phải khoét bỏ một con mắt. Trong trường hợp này, hành vi “nhìn đểu” của một số thanh niên có thể làm cho tinh thần của T bị kích động nhưng những người này không có liên quan gì đến người bị hại nên trường hợp phạm tội của T không phải là bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra nên không được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thao điểm đ khoản 1 điều 46 Bộ luật hình sự.

 

Hành vi trái pháp luật của người khác, trước hết bao gồm nhưng hành vi vi phạm pháp luật hình sự xâm phạm đến lợi ích của người phạm tội hoặc đối với những người thân thích của người phạm tội hoặc đối với người khác có quan hệ thân thiết với người phạm tội. Thông thường những hành vi trái pháp luật của người khác xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của người phạm tội và những người thân thích của người phạm tội hoặc đối với người khác có quan hệ thân thiết với người phạm tội, nhưng cũng có một số trường hợp xâm phạm đến tài sản của người phạm tội  như: đập phá tài sản, đốt cháy, cướp giật, trộm cắp v.v...

 

Hành vi trái pháp luật của người khác không chỉ vi phạm pháp luật hình sự, mà còn bao gồm cả những hành vi vi phạm pháp luật khác như: Luật hành chính, Luật lao động; Luật giao thông, Luật dân sự; Luật hôn nhân và gia đình v.v...

 

Hành vi trái pháp luật của người khác có thể là hành vi trái pháp luật nghiêm trọng nhưng cũng có thể chưa nghiêm trọng. Nếu là hành vi trái pháp luật nghiêm trọng và hành vi đó là của người bị hại đối với người phạm tội hoặc đối với người thân thích của người phạm tội làm cho người phạm tội bị kích động mạnh thì thuộc trường hợp quy định tại Điều 96 hoặc 105 Bộ luật hình sự.

 

c. Hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác phải là nguyên nhân làm cho người phạm tội  bị kích động mạnh về tinh thần

 

Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật với tinh thần bị kích động là mối quan hệ tất yếu nội tại có cái này thì ắt có cái kia. Không có hành vi trái pháp luật của người khác thì không có tinh thần bị kích động của người phạm tội, và vì thế nếu người phạm tội không bị kích động bởi hành vi trái pháp luật của người khác thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ theo điểm đ khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự. Nếu hành vi trái pháp luật lại gây ra cho người khác không có liên quan gì đến người phạm tội, thì người phạm tội không được hưởng tình tiết giảm nhẹ này. Ví dụ: Nguyễn Hùng C là bạn học cùng lớp với Hoàng Thị Th, C đến nhà Th chơi thì thấy bố của Th là ông Hoàng Quốc V đang cãi nhau với Trần Mạnh Q. Thấy Q dùng lời nói thô tục chửi bới ông V thậm tệ nên C đã dùng tay đấm Q nhiều cái vào mặt làm Q bị thương. Trường hợp này Nguyễn Hùng C  tuy có bị kích động về tình thần nhưng hành vi trái pháp luật của người khác không có liên quan gì đến trạng thái tinh thần của C, mà chỉ vì lời nói của con ông V đối với Q. Do đó hành vi phạm tội của C không phải là tình tiết giảm nhẹ “phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra”.

 

Trường hợp người phạm tội tự mình gây nên tình trạng tinh thần kích động rồi thực hiện hành vi phạm tội cũng không thuộc trường hợp “phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra”. Ví dụ: Phạm Việt C nghi ngờ vợ quan hệ bất chính với Lê Văn T nhưng không có bằng chứng, nhiều lần C tra hỏi vợ nhưng vợ C không nhận; Phạm Việt C bực tức uống rượu say rồi mang dao đến nhà T gây sự rồi gây thương tích cho T với tỷ lệ thương tật 30%.

 

Nếu người bị hại là người điên hay trẻ em dưới 14 tuổi có những hành vi làm cho người phạm tội bị kích động, thì cũng không thuộc trường hợp “phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra”. Bởi lẽ, hành vi của người điên và của trẻ em dưới 14 tuổi không bị coi là hành vi trái pháp luật, vì họ không có lỗi do họ không nhận thức được tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi do họ thực hiện.

 

d. Hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác phải là hành vi đối với người phạm tội hoặc đối với người thân thích hoặc hoặc đối với người khác có quan hệ thân thiết với người phạm tội.

 

Nếu trường hợp phạm tội “giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” quy định tại Điều 96 Bộ luật hình sự hoặc “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” quy định tại Điều 105 Bộ luật hình sự chỉ quy định hành vi trái pháp luật nghiêm trọng đối với người phạm tội hoặc đối với người thân thích của người phạm tội thì trường hợp “phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra” hành vi trái pháp luật của người khác còn đối với cả những người có quan hệ thân thiết với người phạm tội. Đây cũng là một đặc điểm để phân biệt giữa tình tiết là yếu tố định tội quy định tại Điều 96 và Điều 105 Bộ luật hình sự với tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm điều khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự.

 

Một người bị kích động về tinh thần ngoài trường hợp người khác có hành vi trái pháp luật đối với chính bản thân họ, thì còn có cả trường hợp người khác có hành vi trái pháp luật đối với những người thân thích của họ.

 

Những người thân thích là những người có quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân như: vợ đối với chồng; cha mẹ với con cái; anh chị em ruột, anh chị em cùng cha khác mẹ đối với nhau; ông bà nội ngoại đối với các cháu v.v…

 

Ngoài những người thân thích với người phạm tội, thực tiễn xét xử Toà án cũng đã công nhận một số trường hợp tuy không phải là quan hệ huyết thống hay hôn nhân mà chỉ là quan hệ thân thuộc như anh em ruột. Ví dụ: Đinh Văn Q và Nguyễn Văn Kh cùng ở một đơn vị bộ đội; cả hai cùng chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Sau ngày giải phóng, cả hai cùng được phục viên, nhưng gia đình Q đã bị bom Mỹ sát hại hết nên Kh đã mời Q đến ở chung với gia đình mình. Gia đình Kh coi Q như con trong nhà ngược lại Q cũng coi gia đình Kh như gia đình mình. Một hôm, Q đang chặt cây thì có người gọi: "về nhà ngay! mẹ của Kh bị đánh què chân rồi". Q vội cầm dao chạy về thì được biết Bùi Quốc T là người đánh mẹ Kh, Q liền cầm dao đi tìm T; khi gặp T, Q hỏi vì sao lại đánh mẹ Kh thì T trả lời: “tao đánh mẹ mày đâu mà mày hỏi”, Q bực tức lấy dao chém T gây thương tích có tỷ lệ thương tật 34%.

 

Khi xác định tình tiết giảm nhẹ này cần phần biệt với trường hợp “giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” quy định tại Điều 96 Bộ luật hình sự và trường hợp “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” quy định tại Điều 105 Bộ luật hình sự:

 

- Cả hai trường hợp, người phạm tội  đều bị kích động về tinh thần và đều do hành vi trái pháp luật của người khác gây ra. Nhưng sự khác nhau là mức độ bị kích động và mức độ trái pháp luật của người bị hại. Nếu ở trường hợp quy định tại Điều 95 hoặc Điều 105 Bộ luật hình sự, người phạm tội phải bị kích động mạnh thì ở trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự tuy tinh thần có bị kích động nhưng chưa mạnh, chưa tới mức không nhận thức được hành vi của mình.

 

- Nếu ở trường hợp quy định tại Điều 95 hoặc Điều 105 Bộ luật hình sự, hành vi trái pháp luật của người bị hại phải là hành vi trái pháp luật nghiêm trọng, thì ở điểm đ khoản 1 Điều 46 hành vi trái pháp luật của người bị hại chưa phải là nghiêm trọng.

 

- Hành vi trái pháp luật ở trường hợp quy định tại Điều 95 và Điều 105 Bộ luật hình sự nhất thiết phải là hành vi của người bị hại, còn đối với trường hợp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 46 có thể không nhất thiết phải là của người bị hại mà còn có thể là của người khác, nếu là của người bị hại thì hành vi trái pháp luật chưa phải là nghiêm trọng.

 

- Nếu ở trường hợp quy định tại Điều 95 và Điều 105 Bộ luật hình sự, hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của người bị hại phải là đối với người phạm tội  hoặc người thân thích của người phạm tội, còn ở điểm đ khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự thì không nhất thiết phải như vậy.

Mức độ giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phụ thuộc vào sự kích động và vào hành vi trái pháp luật của người bị hại. Người phạm tội do hành vi trái pháp luật của chính người bị hại đối với mình sẽ được giảm nhẹ trách nhiệm nhiều hơn là phạm tội do hành vi trái pháp luật của người khác đối với mình hoặc đối với người thân thích của mình. Hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc của người thân thích đối với họ càng nguy hiểm thì mức độ giảm nhẹ trách nhiệm càng nhiều.

Nguồn: Thạc sỹ: Đinh Văn Quế

Gửi yêu cầu